1. Mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, từ ngày 14/02/2025, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Nếu có nhu cầu tư vấn thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm, vui lòng gọi 0936 38 52 36. Chi phí tư vấn: 500.000 đồng.
2. Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông mới
Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông chính thức có hiệu lực từ ngày 14/02/2025.
Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông 2025 có nhiều điểm mới đáng chú ý. Cụ thể:
Đối với tuyển sinh trung học cơ sở, từ năm nay sẽ chỉ được thực hiện theo phương thức xét tuyển.
Đối với kỳ thi tuyển trung học phổ thông, các nhóm đối tượng cộng điểm ưu tiên đều được tăng thêm 0,5 điểm so với Quy chế trước đây. Đồng thời, môn thi thứ ba vào lớp 10 không chọn một môn quá 3 năm liên tiếp.
3. Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông mới
Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 được quy định cụ thể tại Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 08/02/2025.
Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay có một số điểm mới đáng chú ý như:
- Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc:
Cụ thể, Điều 3 Quy chế thi tốt nghiệp quy định tổ chức kỳ thi gồm 03 buổi thi gồm:
- 01 buổi thi môn Ngữ văn
- 01 buổi thi môn Toán
- 01 buổi thi của bài thi tự chọn gồm 02 môn thi trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng Công nghiệp, Công nghệ định hướng Nông nghiệp, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn).
- Thí sinh không còn được cộng điểm chứng chỉ nghề:
Quy chế mới đã bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh giáo dục thường xuyên từ kỳ thi năm 2025.
- Chứng chỉ ngoại ngữ không được quy đổi thành điểm 10:
Theo khoản 2 Điều 39 Quy chế mới, chứng chỉ ngoại ngữ sẽ không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp.
Xem chi tiết: 6 điểm mới trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Thông tư 24
4. Thanh tra về dạy thêm, học thêm
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 28/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 10/02/2025, công tác quản lý dạy thêm, học thêm là một trong các nội dung thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
5. Dạy học tiếng dân tộc thiểu số phải có tivi thông minh, máy tính
Thông tư 01/2025/TT-BGDĐT ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên từ ngày 25/02/2025.
Theo đó, môn học tiếng dân tộc thiểu số phải có các thiết bị:
Bộ máy vi tính để bàn hoặc máy tính xách tay để giáo viên sử dụng trong trình chiếu nội dung giảng dạy môn học tiếng dân tộc thiểu số và các môn học, các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường.
Ti vi thông minh (hoặc máy chiếu đa năng hoặc màn hình hiển thị) để giáo viên sử dụng trong trình chiếu nội dung giảng dạy môn học tiếng dân tộc thiểu số và các môn học, các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường.
Ngoài ra, đối với môn Tiếng Bahnar, Tiếng Chăm, Tiếng Jrai… thì còn phải có thêm tranh ảnh, video/clip minh họa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trên đây là chính sách mới đối với giáo viên có hiệu lực tháng 2/2025.
Tham gia Group Zalo VBPL Giáo dục và Đào tạo của LuatVietnam để cập nhật thông tin, văn bản pháp luật mới nhất về lĩnh vực giáo dục.