Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Việc học tập, làm việc theo gương Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên đối với mỗi cá nhân, tổ chức. Sau đây là những nội dung chủ yếu của Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Xem và tải toàn văn: Chỉ thị 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày 15/5/2016..

1 - Đối tượng thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW

Theo tinh thần của Chỉ thị 05, việc đẩy mạnh học tập, làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phải được phát huy hơn nữa những thắng lợi, kết quả bước đầu và khắc phục những hạn chế, vướng mắc.

Cụ thể, cần phải thực hiện nội dung Chỉ thị một cách nghiêm túc hơn, đưa nội dung Chỉ thị thành việc làm thường xuyên, nâng cao ý thức tự giác của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đặc biệt là các đối tượng sau:

- Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của từng địa phương, cơ quan, đơn vị mà trước hết là người đứng đầu các cấp, các ngành;

- Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên

Thông qua việc học tập, làm việc nghiêm túc theo gương Hồ Chí Minh, việc đẩy lùi những suy thoái về đạo đức, lối sống và các tệ nạn tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày sẽ được chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng.

Qua đó, phát hiện, thảo luận, trao đổi, học tập gương người tốt, việc tốt; Tự phê bình và phê bình những biểu hiện tiêu cực, thói hư tật xấu; Cảnh cáo, nhắc nhở, tiếp thu, sửa chữa những thiếu sót, những điểm chưa được ở đơn vị mình và đơn vị bạn.

Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Đảng viên là một trong những đối tượng của Chỉ thị 05-TT/TW (Ảnh minh họa)


2 - Nội dung chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh

Theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh gồm các nội dung chủ yếu sau:

Một là, tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người;

Hai là, tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại;

Ba là, tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc;

Bốn là, tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân;

Năm là, tư tưởng về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân;

Sáu là, tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân;

Bảy là, tư tưởng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;

Tám là, tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Chín là, tư tưởng về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.

3 - Nội dung chủ yếu của đạo đức Hồ Chí Minh

Một là, trung với nước, hiếu với dân

- Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trung với nước, hiếu với dân là điều chủ chốt của đạo đức cách mạng. Trung với nước là trung thành vô hạn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc và làm cho đất nước "sánh vai với các cường quốc năm châu".

- Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trung với nước, hiếu với dân phải gắn bó với dân, gần dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Phải nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, quan tâm cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, làm cho dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của người làm chủ đất nước.

Hai là, yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình

- Yêu thương con người là phải quan tâm đến những người lao động bình thường, chiếm số đông trong xã hội. Yêu thương con người là phải làm mọi việc để vì con người, vì mục tiêu "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành"; dám hy sinh, dám dấn thân để đấu tranh giải phóng con người.

- Yêu thương con người là giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ, sống cao đẹp hơn. Yêu thương con người phải thực hiện tự phê bình, phê bình chân thành, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm.

Ba là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư

- Hồ Chí Minh quan niệm cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cần có của con người, mang một lẽ tự nhiên, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương và Người giải thích cặn kẽ, cụ thể nội dung từng khái niệm.

- Cần là lao động cần cù, siêng năng; Lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; Lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm.

- Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình, tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ; Không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức...

- Liêm là luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân; Không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không tham tâng bốc mình....

- Chính là không tà, là thẳng thắn, đúng đắn. Đối với mình không tự cao, tự đại; Đối với người không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá, lừa lọc, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết.

- Chí công vô tư là khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ.

- Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và với chí công vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.

Bốn là, có tinh thần quốc tế trong sáng

Đoàn kết quốc tế trong sáng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết là đoàn kết với nhân dân lao động các nước vì mục tiêu chung: Đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột. Đó là tình đoàn kết quốc tế giữa những người vô sản toàn thế giới vì một mục tiêu chung, "bốn phương vô sản đều là anh em".

Sau đó, đoàn kết quốc tế trong sáng còn là đoàn kết quốc tế gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước chân chính sẽ dẫn đến chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

Cũng theo Người, nguyên tắc xây dựng và thực hành đạo đức được thể hiện ở ba điểm sau:

Một là, nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức.

Hai là, xây đi đôi với chống.

Ba là, phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.

thực hiện theo chỉ thị 05
Đẩy mạnh học tập, làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa)


4 - Nội dung chủ yếu của phong cách Hồ Chí Minh

Nói phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh, với tư cách là một vĩ nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực.

Cụ thể:

- Phong cách tư duy

Một là, phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại.

Hai là, phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Đó là phong cách tư duy không giáo điều, rập khuôn, không vay mượn dập khuôn của người khác, hết sức tránh lối cũ, đường mòn, tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy đến tận cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn.

Ba là, phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình.

- Phong cách làm việc

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh phê phán nặng lề lối làm việc đủng đỉnh, chậm chạp, tự do, tùy tiện, đại khái, sự vụ, theo đường mòn, điệu sáo, lười suy nghĩ, ngại đổi mới, thích phô trương, hoành tráng về hình thức, nhưng nghèo nàn, sơ sài về nội dung của nền sản xuất nhỏ…

Phong cách làm việc Hồ Chí Minh thể hiện trong những điểm chính sau:

- Phong cách làm việc khoa học. Hồ Chí Minh yêu cầu làm việc gì cũng phải điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu, để nắm chắc thực chất tình hình.

- Phong cách làm việc có kế hoạch.

- Phong cách làm việc đúng giờ.

- Phong cách đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ, bảo thủ.

- Phong cách lãnh đạo

Một là, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Hiện nay đây là một trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội.

Hai là, đi đúng đường lối quần chúng, lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân để biết tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Ba là, phải tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát cho tốt. Theo Hồ Chí Minh, sau khi nghị quyết đã được ban hành, phải tổ chức tốt để nghị quyết đi vào cuộc sống; điều đó gắn liền với công việc kiểm tra, kiểm soát. Muốn tốt, “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”.

Bốn là, về phong cách nêu gương, Người cho rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

- Phong cách diễn đạt

Một là, cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực. Mục đích của nói và viết Hồ Chí Minh cốt làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người. Với quan điểm cách mạng là sự nghiệp của hàng chục triệu người lao động, làm sao để họ hiểu được, dám vùng lên đấu tranh giải phóng...

Hai là, diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin cao.

Ba là, sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh cụ thể.

Bốn là, phong cách diễn đạt luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng.

- Phong cách ứng xử

Một là, khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp. Trong các cuộc tiếp xúc, Người thường khiêm tốn, không bao giờ đặt mình cao hơn người khác, mà trái lại, luôn hòa nhã, quan tâm chu đáo đến những người chung quanh.

Hai là, ứng xử chân tình, nồng hậu, tự nhiên.

Ba là, linh hoạt, chủ động, biến hóa.

Bốn là, vui vẻ, hòa nhã, xóa nhòa mọi khoảng cách.

- Phong cách sinh hoạt

Một là, phong cách sống cần kiệm, liêm chính.

Hai là, phong cách sống hài hòa, nhuần nhuyễn giữa văn hóa Đông - Tây. Đó là phong cách sống vừa thấm nhuần văn hóa Nho - Phật - Lão, vừa chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Âu - Mỹ nhưng luôn giữ vững, yêu quý và tự hào về văn hóa Việt Nam.

Ba là, tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên.

5 - Giải pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sau 03 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, mặc dù đạt được nhiều thành quả nhưng cũng không thiếu vướng mắc, hạn chế cần tiếp thu và sửa chữa. Do đó, để nâng cao khả năng, rèn luyện bản thân nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém còn tồn tại, mỗi cá nhân, tập thể phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh.

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội phải thực hiện tốt 05 nội dung sau đây:

- Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, đẩy mạnh phòng chống, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và quan liêu.

- Tổ chức học tập, tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục, có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn đảng, toàn dân và toàn quân.

- Đưa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hàng năm.

- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức hàng năm và nhiệm kỳ.

- Biên soạn các chương trình, giáo trình về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giảng dạy trong hệ thống giáo dục.

Trên đây là toàn bộ nội dung chủ yếu của Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các độc giả có thể tìm các bài viết khác liên quan đến cán bộ, công chức của LuatVietnam tại đây.

>> Mẫu Bản kiểm điểm Đảng viên cuối năm mới nhất

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Tại dự thảo Nghị định mới đây, Bộ Quốc phòng đã đề xuất quy định mới về tiêu chí, tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn. Theo dõi bài viết dưới đây để có thông tin cụ thể.