Công an tham gia chống Mỹ đã xuất ngũ hưởng trợ cấp thế nào?

Chế độ trợ cấp cho công an tham gia chống Mỹ đã xuất ngũ vừa được Bộ Công an ban hành tại Thông tư số 41/2023/TT-BCA. Vậy cụ thể mức hưởng và thủ tục hưởng như thế nào?

1. Ai được hưởng trợ cấp khi tham gia kháng chiến chống Mỹ?

Theo Điều 2 Thông tư 41, đối tượng được hưởng trợ cấp khi tham gia kháng chiến chống Mỹ đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương là cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân (CAND) được quy định tại Điều 2 và khoản 1 Điều 8 Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg.

Cụ thể, các trường hợp kèm điều kiện để được hưởng trợ cấp gồm:

- Cán bộ, chiến sĩ đã tham gia kháng chiến chống Mỹ; vào công an từ 30/4/1975 trở về trước; có dưới 20 năm làm trong CAND đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương và không hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hoặc chế độ bệnh binh hàng tháng.

  • Có từ đủ 15 - dưới 20 năm công tác trong CAND được trợ cấp hàng tháng
  • Có dưới 15 năm công tác trong CAND được trợ cấp một lần

- Cán bộ, chiến sĩ đã tham gia kháng chiến chống Mỹ; vào công an từ 30/4/1975 trở về trước; có dưới 20 năm làm trong CAND đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương và sau đó công tác ở cấp xã:

  • Người công tác trong CAND dưới 20 năm sau đó tiếp tục làm ở cấp xã, đã nghỉ việc, đang hưởng trợ cấp hàng tháng/chế độ hưu trí: Hưởng trợ cấp một lần.
  • Người công tác trong CAND từ đủ 15 - dưới 20 năm, hiện đang công tác ở cấp xã và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, đủ điều kiện hưởng hưu trí thì hưởng trợ cấp một lần; không đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được hưởng trợ cấp hàng tháng.
  • Có dưới 15 năm công tác trong CAND, hiện đang công tác ở cấp xã hưởng lương từ ngân sách, có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: Hưởng trợ cấp một lần.

- Cán bộ, chiến sĩ đã xuất ngũ, thôi việc về địa phương mà từ 30/4/1975 có thời gian tham gia quân đội thì thời gian này được cộng với thời gian công tác trong CAND.

Không phải ai cũng được hưởng chế độ trợ cấp cho công an tham gia chống Mỹ đã xuất ngũ
Không phải ai cũng được hưởng chế độ trợ cấp cho công an tham gia chống Mỹ đã xuất ngũ (Ảnh minh họa)

Trong đó, các đối tượng sau đây sẽ không được hưởng chế độ này gồm:

- Người bị kỷ luật buộc thôi việc, bị sa thải, thải hồi, loại ngũ, đảo nhiệm, đào ngũ, tước danh hiệu, tước cấp bậc hàm.

- Công nhân công an.

- Đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng trừ cán bộ đang hưởng hai chế độ này, chế độ mất sức lao động hoặc bệnh binh hàng tháng.

- Những người nêu trên mà đầu hàng địch, phản bội, bị kết án về một trong các Tội xâm phạm an ninh quốc gia chưa được xóa án tích hoặc đang chấp hành hình phạt tù chung thân…

2. Chế độ trợ cấp cho công an tham gia chống Mỹ đã xuất ngũ

Theo Chương II Thông tư 41 năm 2023, các đối tượng trên được hưởng một trong hai chế độ là chế độ trợ cấp hàng tháng hoặc chế độ trợ cấp một lần. Với mỗi chế độ, mức hưởng trợ cấp sẽ khác nhau. Cụ thể:

Tiêu chí

Trợ cấp hàng tháng

Trợ cấp một lần

Điều kiện về thời gian công tác được tính hưởng chế độ

- Từ đủ 15 năm - dưới 20 năm.

- Từ đủ 15 năm - dưới 20 năm, đã xuất ngũ, thôi việc về địa phương sau đó làm việc ở cấp xã hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có tham gia BHXH bắt buộc nhưng không đủ điều kiện/không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.

- Dưới 15 năm;

- Dưới 15 năm; sau khi thôi việc, xuất ngũ về địa phương tiếp tục làm việc ở cấp xã có tham gia BHXH bắt buộc/tự nguyện nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.

- Dưới 20 năm; sau khi thôi việc, xuất ngũ về địa phương tham gia công tác ở cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng trợ cấp hằng tháng/lương hưu hằng tháng.

Cách tính

Tính theo số năm công tác thực tế: Từ đủ 15 năm: Được trợ cấp hàng tháng 813.614 đồng/người/tháng, sau đó cứ thêm 01 năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 5%, cụ thể:

  • Từ đủ 15 - dưới 16 năm:  813.614 đồng/người/tháng;
  • Từ đủ 16 - dưới 17 năm: 854.295 đồng/người/tháng;
  • Từ đủ 17 - dưới 18 năm: 894.975 đồng/người/tháng;
  • Từ đủ 18 - 19 năm: 935.656 đồng/người/tháng;
  • Từ đủ 19 - dưới 20 năm: 976.337 đồng/người/tháng.

Tính theo số năm công tác được tính hưởng chế độ, cụ thể:

  • Từ đủ 02 năm (24 tháng) trở xuống: 2,5 triệu đồng;
  • Từ năm thứ 03 trở đi: Cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng.

Mức trợ cấp một lần được tính theo công thức:

Mức hưởng = 2,5 triệu đồng + [(số năm công tác được tính hưởng chế độ - 2 năm) x 800.000 đồng/năm)]

Cán bộ, chiến sĩ CAND thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp mà từ trần trước 15/10/2010 thì một trong những thân nhân của người này sẽ nhận trợ cấp một lần 3,6 triệu đồng. Thân nhân của người này gồm: vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.

Thân nhân chiến sĩ công an đã chết được hưởng trợ cấp
Thân nhân chiến sĩ công an đã chết được hưởng trợ cấp (Ảnh minh họa)

3. Thủ tục hưởng trợ cấp của CAND xuất ngũ

Để được hưởng trợ cấp nêu trên, công an nhân dân đáp ứng đủ điều kiện cần phải thực hiện thủ tục dưới đây:

3.1 Hồ sơ đề nghị xét hưởng trợ cấp

- Công văn đề nghị xét hưởng trợ cấp

- Danh sách đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp của công an cấp tỉnh nơi chiến sĩ công an thường trú

- Bản khai cá nhân/bản khai cá nhân dùng cho thân nhân (nếu chiến sĩ đã qua đời);

- Văn bản ủy quyền (nếu có)

- Giấy tờ gốc hoặc tương đương thể hiện thời gian công tác tính hưởng chế độ. Có thể gồm bản chính hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao có xác nhận của cơ quan, tổ chức thuộc cơ quan công an nơi chiến sĩ có thời gian công tác, có thể kể đến:

  • Quyết định thôi việc, xuất ngũ hoặc giải quyết chế độ trợ cấp này
  • Lý lịch cán bộ/lý lịch quân nhân/Đảng viên (nếu có)
  • Sổ bảo hiểm xã hội (nếu có)
  • Giấy tờ liên quan khác: Huân chương, hồ sơ hưởng chế độ người có công, quyết định thương binh và trợ cấp thương binh, quyết định tuyển dụng hoặc điều động hoặc phong thăng bậc hàm…

- Nếu thiếu các giấy tờ thể hiện toàn bộ thời gian công tác theo quy định thì phải nộp thêm các loại giấy tờ:

  • Giấy tờ xác nhận thời gian công tác của công an cấp huyện nơi chiến sĩ đó công tác/công tác trước khi thôi việc, xuất ngũ…
  • Biên bản thẩm tra, xác minh của công an cấp huyện nơi người này thường trú
  • Biên bản xét duyệt, đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp

Ngoài ra, hồ sơ hưởng chế độ hàng tháng để thực hiện chế độ gồm:

  • Giấy giới thiệu của Cục Tổ chức cán bộ
  • Quyết định về việc hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng của Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ
  • Bản khai cá nhân.

3.2 Cơ quan nhận hồ sơ

Các giấy tờ, hồ sơ nêu trên được cán bộ, chiến sĩ hoặc thân nhân của họ nộp tại Công an cấp huyện nơi người đó thường trú.

3.3 Trình tự thực hiện

Việc thực hiện thực hiện theo trình tự sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ

Bước 2: Nộp hồ sơ cho công an cấp huyện để cơ quan này lập danh sách đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp một lần/hàng tháng (nếu đủ điều kiện) trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và ra Công văn báo cáo lên cấp trên.

Nếu hồ sơ chưa đủ thì thẩm tra, xác minh và có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, công an, Hội đồng chính sách cấp xã, trưởng thôn, cán bộ cùng thời.

Bước 3: Công an cấp tỉnh tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ, lập danh sách, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét hưởng chế độ trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Đồng thời, đây cũng là cơ quan sẽ chuyển hồ sơ hưởng trợ cấp đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để quản lý, chi trả trợ cấp hằng tháng và thực hiện chi trả trợ cấp cho cán bộ, chiến sĩ hoặc thân nhân của họ.

Trên đây là chế độ trợ cấp cho công an tham gia chống Mỹ đã xuất ngũ. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.