Chế độ nghỉ phép năm của cán bộ, công chức xã

Như những người lao động khác, cán bộ, công chức xã cũng được hưởng chế độ nghỉ phép năm theo quy định của luật lao động.


Cán bộ, công chức xã gồm những ai?

Căn cứ tại Điều 3 Nghị định 92/2009 được sửa đổi, bổ sung thì cán bộ, công chức cấp xã được quy định cụ thể như sau:

Cán bộ xã, phường, thị trấn:

- Là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội.

- Gồm các chức danh: Bí thư, phó bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Công chức xã, phường, thị trấn:

- Là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước;

- Gồm các chức danh: Trưởng Công an; Chỉ huy trưởng Quân sự; Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội.

Như vậy, với những người đang giữ chức danh và làm việc tại các vị trí việc làm nêu trên thì được gọi là cán bộ, công chức cấp xã. Ngoài ra, cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã cũng được coi là cán bộ, công chức cấp xã.

Chế độ nghỉ phép năm của cán bộ công chức xã? (Ảnh minh họa)


Cán bộ, công chức xã được hưởng chế độ nghỉ phép năm thế nào?

Điều 13 Luật Cán bộ, công chức nêu rõ, cán bộ, công chức được nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

Do đó, cán bộ, công chức cấp xã cũng được hưởng chế độ nghỉ phép năm như những đối tượng cán bộ, công chức khác. Cụ thể theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Lao động hiện hành:

- 12 ngày nếu làm việc trong điều kiện bình thường;

- 14 ngày nếu làm việc ở nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt;

- 16 ngày nếu làm việc ở nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt.

Đặc biệt: Cứ 05 năm làm việc thì số ngày nghỉ hằng năm được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Không chỉ vậy, cán bộ, công chức xã còn được hưởng một số phụ cấp, chế độ liên quan như:

Khi không dùng hoặc dùng không hết ngày nghỉ phép

Căn cứ vào Điều 5 Thông tư 141/2011 được sửa đổi, bổ sung thì khi không dùng hoặc dùng không hết ngày nghỉ phép, cán bộ, công chức sẽ được thanh toán bằng tiền:

- Nếu do yêu cầu công việc không thể bố trí được thời gian cho cán bộ, công chức nghỉ phép thì sẽ hỗ trợ theo quy chế nội bộ nhưng không quá mức tiền lương làm thêm giờ ngày thứ Bảy, Chủ nhật;

- Do yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức không dùng hoặc dùng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán tiền lương và một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ;

- Nếu vì lý do khác khiến chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được trả theo mức lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp đang hưởng.

Thanh toán tiền phương tiện đi lại, phụ cấp đi đường

Cán bộ, công chức xã sẽ được thanh toán tiền phương tiện đi lại, phụ cấp đi đường theo quy định tại Điều 2 Thông tư 141/2011:

- Là người miền xuôi công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,5 trở lên; Đủ điều kiện được nghỉ phép hàng năm; Được cấp giấy cho nghỉ phép năm về thăm gia đình, cha mẹ, vợ hoặc chồng, con hoặc thăm quê quán;

- Được cấp giấy phép năm để thăm vợ hoặc chồng, con, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng bị ốm đau, chết.

Trong đó, mức thanh toán sẽ là tiền chiều đi và về từ nhà đến ga tàu, bến xe, vé tàu, xe đến nơi nghỉ phép và chiều ngược lại (trừ máy bay) theo mức giá ghi trên vé hoặc hóa đơn…

>> 7 điểm mới của Nghị định 34 ảnh hưởng đến mọi cán bộ, công chức xã

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục