Chế độ tiền lương, phụ cấp của giáo viên - Toàn bộ thông tin mới

Ước tính cả nước hiện có khoảng 1,2 triệu giáo viên. Thông tin về chế độ tiền lương, phụ cấp của giáo viên luôn được quan tâm; dưới đây là những tổng hợp của LuatVietnam về vấn đề này theo quy định mới nhất.

1. Chế độ tiền lương của giáo viên

Tại Nghị quyết 29, Bộ Chính trị khẳng định: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Tuy nhiên, đến nay, chủ trương này vẫn chưa được hiện thực hóa.

Hiện tại, mức lương của giáo viên vẫn được tính theo công thức:

Lương cơ sở x Hệ số lương hiện hưởng

Trong khi hệ số lương được giữ cố định từ năm 2004 đến nay, thì mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng dần theo từng năm. Mức lương cơ sở tính từ ngày 01/7/2019 là 1.490.000 đồng/tháng.

chế độ

Căn cứ Nghị định 204/2004/NĐ-CP và Nghị định 38/2019/NĐ-CP, mức lương của giáo viên hiện nay như sau:

- Giáo viên trung học cao cấp: Hệ số lương từ 4,0 đến 6,38 => Tương ứng mức lương từ 5.960.000 đồng đến 9.506.200 đồng.

- Giáo viên trung học; Giáo viên tiểu học cao cấp; Giáo viên mầm non cao cấp; Giáo viên trung học cơ sở chính: Hệ số lương từ 2,34 đến 4,98 => Tương ứng mức lương từ 3.486.600 đồng đến 7.420.200 đồng.

- Giáo viên trung học cơ sở: Hệ số lương từ 2,10 đến 4,89 => Tương ứng mức lương từ 3.129.000 đồng đến 7.286.100 đồng.

- Giáo viên tiểu học; Giáo viên mầm non: Hệ số lương từ 1,86 đến 4,06 => Tương ứng mức lương từ 2.771.400 đồng đến 6.049.400 đồng.

Đến năm 2020, dự kiến mức lương cơ sở sẽ tiếp tục tăng. Theo đó, mức lương của giáo viên cũng sẽ tăng theo.

Tuy nhiên, từ năm 2021, mức lương cơ sở và hệ số lương sẽ được bãi bỏ. Lương của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và giáo viên nói riêng sẽ được tính bằng số tiền cụ thể.


2. Chế độ phụ cấp đối với giáo viên

Ngoài mức lương nêu trên, giáo viên còn được hưởng được một số khoản phụ cấp. Cụ thể như sau:

a) Phụ cấp ưu đãi theo nghề

Theo Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC, giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.

Mức hưởng được tính theo công thức:

Mức phụ cấp ưu đãi = lương cơ sở x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.

Trong đó, tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi dao động từ 25% đến 50%, tùy từng đối tượng giáo viên và địa bàn công tác.

Chế độ phụ cấp của giáo viên

b) Phụ cấp thâm niên

Nghị định 54/2011/NĐ-CP quy định, giáo viên đang giảng dạy, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập được hưởng phụ cấp thâm niên nếu có thời gian giảng dạy, hoạt động giáo dục từ đủ 05 năm.

Mức phụ cấp thâm niên = 5% x [mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)].

Từ các năm sau, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.

Tuy nhiên, theo tinh thần của Luật Giáo dục 2019, từ ngày 01/7/2020, phụ cấp thâm niên đối với giáo viên sẽ được bãi bỏ.

c) Phụ cấp thu hút

Giáo viên công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng thêm phụ cấp thu hút.

Mức phụ cấp thu hút bằng 70% tiền lương tháng hiện hưởng. Trong đó, thời gian để hưởng phụ cấp này là thời gian thực tế làm việc tại địa bàn và không quá 05 năm.

Ngoài các khoản phụ cấp nêu trên, còn có một số khoản phụ cấp đặc thù khác dành cho giáo viên, như: Phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân; Phụ cấp với giáo viên công tác lâu năm tại địa bàn đặc biệt khó khăn; Phụ cấp với giáo viên dạy người khuyết tật…


3. Một số chế độ khác dành cho giáo viên

a) Giáo viên chỉ làm việc 42 tuần mỗi năm

Giáo viên có lẽ là nghề được nghỉ nhiều nhất trong năm. Nếu như một năm có đến 53 tuần thì giáo viên chỉ làm việc 42 tuần/năm; còn lại là thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác.

Trong thời gian nghỉ này, giáo viên được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp khác, nếu có (Theo điểm a, khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT).

b) Trường hợp nghỉ thai sản trùng với nghỉ hè

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn hướng dẫn cụ thể cho trường hợp này. Theo đó nếu giáo viên sinh con trùng với thời gian nghỉ hè thì có thể được bố trí ngày nghỉ khác hoặc nếu không nghỉ thì được thanh toán tiền nghỉ hàng năm.

c) Trường hợp giáo viên dạy thêm

Pháp luật hiện hành không cấm giáo viên dạy thêm. Tuy nhiên, việc dạy thêm phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định theo Điều 4 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT:

- Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường;

- Không dạy thêm với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 02 buổi/ngày;

- Không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ khi bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao và rèn luyện kỹ năng sống…

d) Trường hợp giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên

Để đảm bảo quyền lợi cho những giáo viên nghỉ hưu mà chưa được hưởng phụ cấp thâm niên, Thủ tướng Chính phủ đã quy định chế độ trợ cấp một lần đối với các đối tượng này tại Quyết định 52/2013/QĐ-TTg.

Số tiền trợ cấp  = (lương hưu hằng tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp

Điều kiện được hưởng trợ cấp bao gồm: Giáo viên có thời gian công tác tại các trường công lập từ đủ 05 năm; Đã nghỉ hưu từ năm 1994 đến hết ngày 31/5/2011; Đang hưởng lương từ năm 2012.

Theo dự thảo Nghị định thay thế cho Quyết định 52 nêu trên, không chỉ giáo viên các trường công lập mà cả giáo viên các trường ngoài công lập cũng sẽ được hưởng khoản trợ cấp này, nếu đáp ứng đủ các điều kiện còn lại.

e) Được bảo vệ tuyệt đối về nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng

Vốn được tôn vinh là những người làm nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, giáo viên được pháp luật bảo vệ tuyệt đối về danh dự, sức khỏe, tính mạng.

Theo đó, nếu xúc phạm, xâm phạm thân thể giáo viên sẽ bị phạt tiền đến 10 triệu đồng (khoản 2 Điều 19 Nghị định 138/2013/NĐ-CP).

Tại Bộ luật Hình sự 2015, hành vi giết thầy cô giáo của mình là một tình tiết tăng nặng trong tội Giết người (điểm đ, khoản 1, Điều 123); hành vi cố ý gây thương tích cho thầy cô giáo của mình cũng là một tình tiết tăng nặng trong tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điểm g, khoản 1, Điều 134).

Trên đây là tổng hợp của LuatVietnam về chế độ tiền lương của giáo viên, chế độ phụ cấp của giáo viên và các chế độ khác liên quan.

>> Năm học tới, nhiều giáo viên mầm non được đưa vào diện viên chức

Lan Vũ

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục