Tổng hợp 3 chế độ dành cho lực lượng dự bị động viên từ 2020

Khi Luật Lực lượng dự bị động viên có hiệu lực từ 01/7/2020, kéo theo đó nhiều chính sách, chế độ của đối tượng này cũng được quy định cụ thể, rõ ràng hơn.


Lực lượng dự bị động viên, họ là ai?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Lực lượng dự bị động viên, lực lượng này gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị được đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội.

- Quân nhân dự bị: Sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị;

- Phương tiện kỹ thuật dự bị: Tài sản của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam gồm phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường không dân dụng, phương tiện thông tin liên lạc… được đăng ký theo yêu cầu biên chế của Quân đội.


Tiểu đội trưởng được phụ cấp trách nhiệm 480.000 đồng/quý

Theo Điều 29 Luật Lực lượng dự bị động viên, Quân nhân dự bị sẽ được hưởng một trong hai loại phụ cấp: Phụ cấp khi được xếp vào đơn vị dự bị động viên hoặc phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị nếu được bổ nhiệm giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên từ tiểu đội trưởng trở lên.

Mức phụ cấp cụ thể được nêu chi tiết tại Điều 3 Nghị định 79/2020/NĐ-CP như sau:

STT

Đối tượng hưởng

Mức phụ cấp

1

Với quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên

1.1

Sĩ quan dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên

160.000 đồng/tháng

1.2

Quân nhân chuyên nghiệp dự bị

Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên

320.000 đồng/tháng

2

Phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên

2.1

Tiểu đội trưởng

Khẩu đội trưởng

480.000 đồng/quý

2.2

Trung đội trưởng

560.000 đồng/quý

2.3

Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên Phó Đại đội

640.000 đồng/quý

2.4

Đại đội trưởng

Chính trị viên Đại đội

720.000 đồng/quý

2.5

Phó Tiểu đoàn trường

Chính trị viên Phó Tiểu đoàn trưởng

800.000 đồng/quý

2.6

Tiểu đoàn trưởng

Chính trị viên Tiểu đoàn

880.000 đồng/quý

2.7

Phó Trung đoàn trưởng

Phó Chính ủy Trung đoàn

960.000 đồng/quý

2.8

Trung đoàn trưởng

Chính ủy Trung đoàn

1.040.000 đồng/quý


Gia đình quân nhân dự bị được trợ cấp đến 240.000 đồng/ngày

Không chỉ quân nhân dự bị mà gia đình của các đối tượng sau đây cũng được hưởng trợ cấp:

- Gia đình quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện (huấn luyện, chuyển loại, chuyển hạng, bổ túc), diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ;

- Gia đình học viên đào tạo sĩ quan dự bị;

- Gia đình hạ sĩ quan dự bị hạng một trong thời gian đào tạo sĩ quan dự bị.

Khi đó, mức trợ cấp cho gia đình quân nhân dự bị cụ thể là:

- Gia đình quân nhân dự bị thuộc diện đang lao động, học tập, làm việc trong các cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước: 160.000 đồng/ngày;

- Gia đình các đối tượng còn lại: 240.000 đồng/ngày.

Riêng quân nhân dự bị ốm đau, tai nạn đi khám chữa bệnh thì gia đình quân nhân dự bị được hưởng trợ cấp không vượt quá thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, chiến đấu, huy động.

chế độ dành cho lực lượng dự bị động viên
Tổng hợp 3 chế độ dành cho lực lượng dự bị động viên từ 2020 (Ảnh minh họa)

Chế độ với quân nhân dự bị không tham gia BHXH, BHYT

Quân nhân dự bị không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, chiến đấu, huy động khi chưa đến mức tổng động viên… nếu bị ốm đau, tai nạn hoặc chết thì hưởng chế độ như sau:

* Chế độ khám chữa bệnh

- Được khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh quân, dân y;

- Được thanh toán chi phí khám chữa bệnh, tiền ăn bệnh lý theo hóa đơn thu tiền (nếu điều trị nội trú);

- Được thanh toán chi phí khám chữa bệnh, tiền ăn bệnh lý tối đa không quá 15 ngày nếu vẫn phải tiếp tục điều trị sau khi hết thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, chiến đấu và huy động.

* Trợ cấp tai nạn

Trong 03 trường hợp sau, nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được hưởng trợ cấp:

- Trên đường từ nơi ở đến nơi tập trung huấn luyện hoặc khi kết thúc đợt tập trung huấn luyện trở về nơi ở;

- Trong giờ làm việc và tại nơi thực hiện nhiệm vụ;

- Ngoài giờ làm việc, ngoài nơi làm nhiệm vụ khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người chỉ huy có thẩm quyền.

Trog đó, mức trợ cấp cụ thể là suy giảm khả năng lao động 5% thì được trợ cấp 01 lần 08 triệu đồng; Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 800.000 đồng.

* Trợ cấp nếu chết do tai nạn, ốm đau, rủi ro

Trong trường hợp quân nhân dự bị chết do tai nạn, gia đình được trợ cấp một lần bằng 57,6 triệu đồng; thân nhân hoặc người tổ chức mai táng được nhận tiền mai táng phí là 16,0 triệu đồng.

Nếu chết vì ốm đau, tai nạn rủi ro, gia đình được trợ cấp bằng 4,8 triệu đồng; thân nhân hoặc người tổ chức mai táng được nhân mai táng phí bằng 16,0 triệu đồng.

Tuy nhiên, gia đình sẽ không được trợ cấp nếu quân nhân dự bị bị ốm đau, tai nạn hoặc chết do:

- Mâu thuẫn của chính bản thân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ của đơn vị.

- Cố ý tự hủy hoại sức khỏe bản thân;

- Say rượu, bia;

- Do vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật của Nhà nước.

- Sử dụng chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trái với quy định của pháp luật.

Trên đây là những chế độ dành cho lực lượng dự bị động viên mới nhất. Ngoài ra, với các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, từ năm 2021 lương, phụ cấp sẽ có nhiều thay đổi, cụ thể được nêu tại bài viết dưới đây:

>> Năm 2021, quân đội, công an đón 3 thay đổi mới về lương, phụ cấp

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.