Khi nào cắt phụ cấp thâm niên của giáo viên?

Còn chưa đầy 01 tháng nữa là đến thời điểm 01/7/2020 khi Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực. Vậy đến khi đó, liệu phụ cấp thâm niên của giáo viên có bị bãi bỏ không?


Phụ cấp thâm niên của giáo viên sẽ bị cắt từ 01/7/2020?

Hiện nay, theo Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, tại Điều 2 Nghị định 54/2011/NĐ-CP, nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục từ đủ 05 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1% nữa.

Như vậy, hiện nay, trong cơ cấu tiền lương của giáo viên có gồm phụ cấp thâm niên. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 76 Luật Giáo dục năm 2019 sẽ có hiệu lực từ 01/7/2020:

Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ

Có thể thấy, theo Luật Giáo dục năm 2019, sắp tới giáo viên sẽ không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề nữa mà sẽ được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề - loại phụ cấp áp dụng với người vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành là nghệ nhân ưu tú trở lên…(theo Nghị định 113/2015).

Đây cũng là tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2018. Cụ thể, việc cải cách tiền lương sẽ:

- Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề;

- Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm thành phụ cấp theo nghề;

- Có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước dành cho ngành giáo dục và đào tạo, y tế, Tòa án, kiểm sát…

Như vậy, từ ngày 01/7/2020, khi Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực thì phụ cấp thâm niên của giáo viên cũng sẽ bị bãi bỏ trong tiền lương.

Khi nào cắt phụ cấp thâm niên của giáo viên? (Ảnh minh họa)


Từ 01/7/2020, lương giáo viên sẽ thay đổi thế nào?

Như đã phân tích ở trên, từ 01/7/2020, phụ cấp thâm niên sẽ bị “cắt” ra khỏi cơ cấu tiền lương của giáo viên. Theo Nghị quyết 86 năm 2019 của Quốc hội, cũng từ 01/7/2020, lương cơ sở sẽ được tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng.

Việc tính lương của giáo viên vẫn dựa vào công thức: Lương = Hệ số x mức lương cơ sở nên từ 01/7/2020 lương cơ sở tăng kéo theo đó lương của giáo viên cũng sẽ tăng theo.

Đồng thời, mặc dù phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ nhưng giáo viên vẫn được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề. Do vậy, lương giáo viên sẽ không có nhiều thay đổi dù không còn phụ cấp thâm niên.

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của cuộc sống, để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách hơn, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, trước mắt chưa tăng lương cơ sở với viên chức (theo Báo cáo số 237/BC-CP).

Theo đó, nếu đề xuất này được chấp nhận thì lương cán bộ, công chức, viên chức nói chung và lương giáo viên nói riêng sẽ có một số điều chỉnh như sau:

- Không tăng lương cơ sở đồng nghĩa với việc mức lương của giáo viên vẫn được tính với mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng như hiện nay;

- Có thể hoãn thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2021 như tinh thần của Nghị quyết 27. Khi đó, lương giáo viên có thể chưa được áp dụng theo chức vụ, vị trí việc làm; chưa bổ sung tiền thưởng vào cơ cấu tiền lương…

Như vậy, có thể thấy, sắp tới đây, nếu không có gì điều chỉnh, khi Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020, tiền lương của giáo viên sẽ bị cắt phụ cấp thâm niên. Trước đó, bạn đọc có thể điểm qua những điểm đáng chú ý về chính sách tiền lương từ 2021 tại bài viết dưới đây:

>> Toàn bộ điểm mới của Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục