Cán bộ, công chức đi xem bói có bị phạt?

Dù xã hội có phát triển, hoạt động xem bói vẫn luôn có đất sống, thậm chí ngày càng nở rộ. Theo quy định, người tổ chức hoạt động xem bói có thể bị phạt tù, vậy còn người đi xem bói, trong đó có đối tượng cán bộ, công chức bị phạt thế nào?

Chỉ phạt người tổ chức xem bói để trục lợi

Xem bói là một trong những hình thức của mê tín dị đoan. Do đó, pháp luật có những quy định xử lý nghiêm khắc với người lợi dụng bói toán để trục lợi.

Cụ thể, theo Điều 15 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP, các đối tượng này sẽ bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được.

Nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, người xem bói còn có thể bị xử lý hình sự về tội Hành nghề mê tín, dị đoan theo Điều 320 của Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt là 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng, mức phạt có thể lên đến 10 năm tù.

Dù có chế tài xử phạt tương đối cụ thể với người tổ chức xem bói, nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định nào về xử phạt người đi xem bói. Do đó, có thể hiểu, người đi xem bói, trong đó có cán bộ, công chức sẽ không bị phạt hành chính hay xử lý hình sự.

Chưa có quy định xử phạt những người đi xem bói (Ảnh minh họa)


Cán bộ, công chức đi xem bói có bị kỷ luật?

Như phân tích ở trên, cán bộ, công chức đi xem bói sẽ không phải chịu các chế tài xử phạt về hành chính hay hình sự. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt sẽ bị kỷ luật.

- Đi xem bói trong giờ làm việc

Cũng giống như trường hợp đi lễ hội, việc cán bộ, công chức đi xem bói trong giờ hành chính bị nghiêm cấm. Nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật theo quy chế của từng cơ quan, đơn vị (Chỉ thị 26/CT-TTg).

 - Trường hợp cán bộ, công chức là Đảng viên:

Nếu là Đảng viên đi xem bói, gây hậu quả ít nghiêm trọng thì bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ).

Nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc hành nghề bói toán nhằm trục lợi sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ.

(theo Quy định 102-QĐ/TW năm 2017)

Trên đây là thông tin về việc cán bộ, công chức đi xem bói có bị phạt hay không? Để đọc thêm các bài viết về Kỷ luật cán bộ, công chức, bạn đọc vui lòng tham khảo tại đây.

Lan Vũ 

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Từng bị tạm giữ điều tra có được thi công chức?

Một trong những điều kiện quan trọng để công dân Việt Nam được thi công chức chính là phải có lý lịch rõ ràng và phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. Vậy trường hợp đã từng bị tạm giữ điều tra có được thi công chức không là câu hỏi mà nhiều người đặt ra.