1. Đi làm trễ sau Tết, cán bộ, công chức có bị kỷ luật không?
Cán bộ, công chức sẽ đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch năm 2023 từ ngày 27/01/2023 vì lịch nghỉ Tết Âm lịch 2023 của đối tượng này từ 20/01/2023 đến hết 26/01/2023 (tức từ 29 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão) theo Công văn 8056/VPCP-KGVX.
Hiện nay, không có văn bản pháp luật nào liên quan đến kỷ luật cán bộ, công chức có đề cập đến việc kỷ luật cán bộ, công chức đi làm trễ sau Tết. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP nêu rõ:
1. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.
Theo quy định này, mặc dù pháp luật không quy định cụ thể về việc kỷ luật công chức khi đi làm trễ ngày Tết nhưng trong nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị có quy định, cán bộ, công chức phải chấp hành và thực hiện đúng chuẩn giờ làm việc thì nếu vi phạm, cán bộ, công chức vẫn có thể bị xem xét kỷ luật.
Có thể kể đến một số quy định gồm:
- Của Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tại Điều 4 Phụ lục kèm theo Quyết định 67/2017/QĐ-UBND:
1. Chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc của Nhà nước, sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc.
a) Thời giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước:
- Buổi sáng từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút.
- Buổi chiều từ 13 giờ 00 phút đến 17 giờ 00 phút.
Thời giờ làm việc này có thể điều chỉnh phù hợp với đặc thù, yêu cầu công tác của từng cơ quan, đơn vị và theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố nhưng phải đảm bảo đủ 08 giờ làm việc/01 ngày làm việc.
- Của ngành Thanh tra tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 01/2021/TT-TTCP:
2. Chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc, thời gian họp; không làm việc riêng hay rời cơ quan, đơn vị, vị trí công tác mà không có lý do chính đáng; sắp xếp nơi làm việc gọn gàng, sạch sẽ.
Có thể thấy, mặc dù không quy định cụ thể nhưng việc chấp hành đúng thời gian làm việc, không đi trễ, về sớm… khi đi làm là một trong những nguyên tắc cơ bản của người lao động nói chung và cán bộ, công chức nói riêng.
Do đó, tuỳ vào tính chất, mức độ vi phạm hoặc hậu quả vi phạm mà cán bộ, công chức đi làm trễ sau Tết có thể bị kỷ luật không và kỷ luật bằng hình thức nào trong số các hình thức sau đây:
Đối tượng | Hình thức kỷ luật |
Cán bộ | Khiển trách. Cảnh cáo. Cách chức. Bãi nhiệm. |
Công chức không giữ chức vụ, lãnh đạo, quản lý | Khiển trách. Cảnh cáo. Hạ bậc lương. Buộc thôi việc. |
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý | Khiển trách. Cảnh cáo. Giáng chức. Cách chức. Buộc thôi việc. |
2. Cần lưu ý 3 điều sau khi đi làm lại sau nghỉ Tết
2.1 Không dùng xe công đi lễ hội
Theo điểm I khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, cán bộ, công chức không được lợi dụng quyền hạn, chức vụ của mình để dùng tài sản công trái phép. Nếu không, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019/NĐ-CP).
2.2 Không đi chùa, lễ hội nếu không được phân công
Căn cứ Chỉ thị 19 của Ban Bí thư, cán bộ, công chức chỉ đi chùa, lễ hội khi được phân công và không được tham gia các hoạt động mê tín dị đoan. Đồng nghĩa, nếu không được phân công, cán bộ, công chức không được đi lễ chùa, lễ hội trong thời gian làm việc.
2.3 Không dùng rượu bia khai xuân trong giờ làm việc
Rượu, bia có tác động không nhỏ ảnh hưởng đến việc làm chủ bản thân thậm chí có nhiều hành vi quá khích, gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng và người xung quanh.
Với riêng cán bộ, công chức, khi sử dụng rượu bia trong giờ làm việc còn là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
Nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực;
Ngoài ra, khi say rượu, bia, cán bộ, công chức còn có thể bị:
- Bị phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP khi gây mất trật tự công cộng hoặc thậm chí bị phạt tù đến 07 năm về Tội gây rối trật tự công cộng tại Điều 318 Bộ luật Hình sự đang có hiệu lực.
- Phải bồi thường thiệt hại nếu vì dùng rượu bia mà gây thiệt hại cho người khác theo Điều 596 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Bị phạt đến 80 triệu đồng theo Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (với ô tô) và đến 40 triệu đồng theo Đièu 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (với xe máy) nếu dùng rượu bia và tham gia giao thông.
Trên đây là quy định liên quan đến vấn đề: Cán bộ, công chức đi làm trễ sau Tết có bị kỷ luật không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.