Công chức có được phép thành lập hợp tác xã?

Để làm tốt việc phòng, chống tham nhũng, công chức phải tuân thủ nghiêm quy định về những điều mình không được làm. Một trong số đó là việc thành lập hợp tác xã?


Công chức không được thành lập hợp tác xã

Theo quy định tại Điều 13 Luật Hợp tác xã 2012, để trở thành thành viên hợp tác xã, phải đáp ứng các điều kiện:

- Là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam;

- Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;

- Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã…

Bên cạnh đó, Điều 20 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định ngoài những việc không được làm liên quan đến đạo đức công vụ, bí mật Nhà nước… thì công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự nêu tại Luật Phòng chống tham nhũng.

Cụ thể, theo Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, công chức không được làm một số việc sau:

- Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, hợp tác xã… trừ trường hợp luật có quy định khác;

- Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, hợp tác xã… thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định.

Như vậy, theo quy định nêu trên, cán bộ, công chức không được phép thành lập, quản lý, điều hành hợp tác xã nhưng có thể trở thành thành viên của hợp tác xã nếu có đủ các điều kiện nêu trên.

Công chức có được thành lập hợp tác xã không? (Ảnh minh họa)

Công chức được phép tham gia kinh doanh không?

Mặc dù không được tham gia thành lập, quản lý, điều hành hợp tác xã nhưng nếu muốn kinh doanh để tăng thêm thu nhập thì công chức có được phép không?

Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ cấm công chức góp vốn vào các loại hình doanh nghiệp để quản lý điều hành doanh nghiệp đó hoặc tham gia Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên mà không cấm công chức góp vốn vào để hưởng cổ tức…

Do đó, công chức có thể góp vốn vào công ty cổ phần nhưng chỉ với tư cách cổ đông, không tham gia Hội đồng quản trị; vào công ty hợp danh với tư cách thành viên góp vốn…

Đồng thời, theo các phân tích trên cũng như quy định tại Nghị định 78 năm 2015, Chính phủ không cấm công chức thành lập, tham gia hộ kinh doanh.

Theo đó, chỉ cần là công dân Việt Nam, đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì có quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng phải đảm bảo:

- Chỉ đăng ký kinh doanh tại một địa điểm;

- Sử dụng dưới 10 lao động;

- Chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình với hoạt động kinh doanh.

Lưu ý rằng, mặc dù được phép kinh doanh thông qua một số loại hình như trên nhưng công chức phải đảm bảo “không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng” theo quy định của Chỉ thị 26/CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/9/2016.

Nói tóm lại, cán bộ, công chức không được phép thành lập hợp tác xã nhưng để tăng thêm thu nhập, công chức có thể tham gia các loại hình khác. Tuy vậy, công chức phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao và không được làm việc riêng trong thời gian làm việc.

>> 4 điều người thân làm sẽ "liên lụy" cán bộ, công chức 

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục