Khi nào cán bộ, công chức bị đình chỉ công tác?

Đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức là một biện pháp tạm thời áp dụng trong một số trường hợp cần thiết và có căn cứ pháp luật. Vậy, khi nào cán bộ, công chức bị đình chỉ công tác?


Tạm đình chỉ công tác khi xem xét, xử lý kỷ luật

Khoản 1 Điều 81 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định như sau:

“Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do...”

Như vậy, cán bộ, công chức bị tạm đình chỉ công tác phục vụ việc xem xét, xử lý kỷ luật khi có 02 căn cứ sau:

- Đang trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật.

- Nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.

* Thời hạn tạm đình chỉ công tác

- Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày.

- Trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày.

cán bộ công chức bị đình chỉ công tácKhi nào cán bộ công chức bị đình chỉ công tác? (Ảnh minh họa)

Đình chỉ công tác khi VPPL liên quan đến tham nhũng

Theo Điều 43 Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, việc quyết định tạm đình chỉ công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng người đó có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc, cụ thể:

- Căn cứ cho rằng người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng khi thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Có văn bản yêu cầu của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân.

+ Qua xác minh, làm rõ nội dung theo đơn tố cáo phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng.

+ Qua công tác tự kiểm tra trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng.

+ Qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

- Người có chức vụ, quyền hạn được coi là có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi người đó có một trong các hành vi sau:

+ Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không đầy đủ, sai sự thật.

+ Cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền trong quá trình xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng.

+ Tự ý tháo gỡ niêm phong tài liệu, tiêu hủy thông tin, tài liệu, chứng cứ; tẩu tán tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật.

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác hoặc dùng hình thức khác để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho việc xác minh, làm rõ.

* Thời hạn tạm đình chỉ công tác

Căn cứ Điều 47 Nghị định 59/2019/NĐ-CP, thời hạn tạm đình chỉ công tác là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác.

Kết luận: Tùy thuộc vào việc tạm đình chỉ công tác để xem xét, xử lý kỷ luật hoặc khi có căn cứ cho rằng người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng mà căn cứ ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức là khác nhau.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục