Bỏ hệ số lương và mở rộng quan hệ tiền lương khác nhau thế nào?
Trước hết phải khẳng định, đây là hai trong số các chính sách cải cách tiền lương, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nước ta từ ngày 01/7/2024 theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW.
Trong đó, bỏ hệ số lương và mở rộng quan hệ tiền lương khác nhau thế nào được thể hiện thông qua các ý sau đây:
Thứ nhất: Bỏ hệ số lương
Bỏ hệ số lương tức là việc không còn quy định lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang theo công thức có một trong hai yếu tố là hệ số lương.
Cụ thể, hiện nay, các yếu tố tạo nên thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức đang được hưởng theo công thức nêu tại Điều 3 Thông tư 10/2023/TT-BNV như sau:
- Lương = Hệ số lương x mức lương cơ sở
- Phụ cấp tính theo lương cơ sở = Hệ số phụ cấp x mức lương cơ sở
- Phụ cấp tính theo tỷ lệ % lương = (Mức lương + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung) x tỷ lệ % phụ cấp được hưởng
Như vậy, có thể thấy hệ số lương, hệ số phụ cấp là yếu tố chính để tạo nên thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trước ngày 01/7/2024.
Tuy nhiên, sau ngày 01/7/2024, khi cải cách tiền lương, việc tính thu nhập của công chức không còn được thể hiện theo công thức nêu trên.
Thay vào đó, lương cán bộ, công chức, viên chức tính theo số tiền cụ thể, căn cứ vào vị trí việc làm mà không căn cứ vào hệ số lương và mức lương cơ sở (hiện tại là 1,8 triệu đồng/tháng).
Thứ hai: Mở rộng quan hệ tiền lương
Bên cạnh việc bỏ hệ số lương thì cán bộ, công chức, viên chức sẽ được mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 lên 1 - 2,68 - 12. Tức là, bậc 1 (bậc lương khi lần đầu được tuyển chọn từ 2,34 được nâng lên 2,68.
Đồng thời, người đang có bậc lương cao nhất là 10 sẽ được nâng lên 12, tương đương mức lương bậc 3 của chuyên gia cao cấp (tương đương lương Bộ trưởng).
Việc mở rộng quan hệ tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27 năm 2018 của Bộ Chính trị nhằm mục đích:
Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Như vậy, việc bỏ hệ số lương và mở rộng quan hệ tiền lương không giống nhau cũng như không hề mâu thuẫn với nhau. Đây là hai trong số các chính sách cải cách tiền lương quan trọng sẽ áp dụng từ ngày 01/7/2024 tới đây.
Bỏ hệ số lương nhưng vẫn giữ bậc lương, có phải không?
Việc mở rộng quan hệ tiền lương tức là mở rộng mức lương bậc 1 tương đương 2,68 và cao nhất là từ bậc lương 10 lên 12. Tức là, mặc dù bỏ hệ số lương nhưng bảng lương của công chức, viên chức vẫn có bậc lương.
Tuy nhiên, thay vì các bậc lương được thể hiện bằng dãy số gồm loạt hệ số cố định được nêu tại phụ lục của Nghị định 204/2004/NĐ-CP và mức lương cơ sở cố định đang áp dụng hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng thì cải cách tiền lương thể hiện các bậc lương này bằng con số cụ thể.
Và theo tính toán, nếu tính tổng tất cả cơ cấu tiền lương sau khi cải cách thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sẽ tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động đang làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).
Ngoài ra, cấu trúc thu nhập của công chức, viên chức sẽ bao gồm:
Thu nhập = Lương cơ bản (chiếm 70% tổng quỹ lương) + phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) + tiền thưởng (chiếm khoảng 10% không bao gồm phụ cấp).
Trên đây là giải đáp vấn đề: Bỏ hệ số lương và mở rộng quan hệ tiền lương khác nhau thế nào?