1. Bác sĩ chuyên khoa 2 là gì?
Căn cứ Điều 2, Điều 3 Quyết định số 4306/2003/QĐ-BYT, bác sĩ chuyên khoa cấp II hay thường gọi tắt là bác sĩ chuyên khoa 2 là bác sĩ được nhận văn bằng chuyên khoa trong lĩnh vực y tế, áp dụng với những người đã hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa và được xác nhận trình độ sau đại học trong lĩnh vực y tế.
Sau khi tốt nghiệp trình độ sau đại học trong lĩnh vực y tế, cử nhân tốt nghiệp đại học học chương trình đào tạo chuyên khoa và sẽ được cấp bằng bác sĩ chuyên khoa cấp II tương đương với chuyên ngành đào tạo, phương thức đào tạo và xếp loại kết quả học tập của người được cấp bằng.
Lưu ý: Bằng chuyên khoa cấp II chỉ được cấp một lần, kèm theo bảng điểm kết quả học tập của người học. Đối tượng này có thể được cấp giấy chứng nhận thay thế và cũng chỉ được cấp 01 lần nếu bằng bị mất hoặc bị nhàu nát, bị hỏng không thể sử dụng được hoặc khi có lý do chính đáng.
2. Đào tạo bác sĩ chuyên khoa 2 như thế nào?
Căn cứ Công văn 622/BYT-K2ĐT, để được tuyển sinh bằng bác sĩ chuyên khoa 2, thí sinh dự thi phải:
- Có bằng tốt nghiệp chuyên khoa 1 hoặc bằng thạc sĩ đăng ký vào đúng ngành/chuyên ngành đã được đào tạo ở chuyên khoa 1, thạc sĩ.
Ví dụ: Thí sinh có bằng chuyên khoa I Nội được đăng ký dự thi chuyên khoa 2 Nội Tim mạch, Nội Tiêu hoá…
- Thâm niên chuyên môn: Phải tốt nghiệp chuyên khoa 1 hoặc phải có thời gian 36 tháng sau khi tốt nghiệp thạc sĩ và có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (áp dụng với các lĩnh vực yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề).
Bằng chuyên khoa 2 có kích thước 19x27 cm gồm 02 mặt theo Điều 2 Quyết định số 4305/2003/QĐ-BYT:
- Trước: Màu đỏ đậm, phủ nhựa, chữ in màu vàng.
- Sau: Nền trắng, hoa văn hình trống đồng màu xanh nhạt, chữ in màu đen
3. Bác sĩ chuyên khoa 2 có tương đương tiến sĩ không?
Hiện tại, quy định về bác sĩ chuyên khoa 2 đang được liên kê là tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của các chức danh bác sĩ tại Thông tư liên tịch số 10/2015. Tuy nhiên, các quy định cụ thể bác sĩ chuyên khoa 2 là gì lại tương đối ít.
Theo Thông tư liên tịch 30/2003/TTLT-BGDĐT-BYT, bác sĩ chuyên khoa 2 có thể được chuyển đổi tương đương với người có bằng tiến sĩ y học hoặc tiến sĩ dược học và ngược lại.
Cụ thể, khoản 4 Mục III Thông tư liên tịch 30 quy định chuyển đổi từ bằng chuyên khoa cấp II sang bằng tiến sĩ y học hoặc tiến sĩ được học phải đáp ứng các điều kiện:
- Chuyên ngành của bác sĩ chuyên khoa 2 phù hợp với chuyên ngành tiến sĩ y học, tiến sĩ dược học muốn chuyển đổi.
- có Công văn cử đi học chuyển đổi.
- Đạt yêu cầu với các môn cơ bản, cơ sở và bảo vệ đề cương trong kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh hàng năm do các trường sau đại học có chuyên ngành đào tạo tiến sĩ tương ứng và được công nhận nghiên cứu sinh bằng quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Hoàn thành các môn học còn thiếu của chương trình đào tạo tiến sĩ và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y học, dược học.
Ngược lại, tiêu chuẩn để bác sĩ chuyển đổi từ bằng tiến sĩ y học hoặc dược học sang bằng chuyên khoa cấp II được nêu tại khoản 5 Mục III Thông tư liên tịch số 30 này gồm:
- Chuyên ngành đào tạo của bằng tiến sĩ y học hoặc dược học phù hợp với bằng chuyên khoa cấp 2 muốn chuyển đổi.
- Có công văn cử đi học chuyển đổi của cơ quan có thẩm quyền.
- Hoàn thành các phần thực hành, thi tốt nghiệp thực hành theo quy định của Quy chế đào tạo chuyên khoa cấp II hiện hành.
4. Bác sĩ chuyên khoa 2 hưởng lương thế nào?
Trình độ đào tạo bác sĩ chuyên khoa 2 căn cứ Thông tư số 03/2022/TT-BYT là tiêu chuẩn của:
- Chức danh nghề nghiệp bác sĩ cao cấp hạng I: Yêu cầu phải tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa 2 hoặc tiến sĩ nhóm ngành y học (trừ y học dự phòng) hoặc ngành Răng - Hàm - Mặt.
- Tiêu chuẩn để thăng hạng từ chức danh bác sĩ hạng III lên bác sĩ chính hạng II: Có thời gian giữ chức danh bác sĩ hạng II từ 06 năm trở lên nếu tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp 2.
- Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng cao cấp: Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp 2 hoặc tiến sĩ ngành y học dự phòng.
- Tiêu chuẩn để thăng hạng từ chức danh bác sĩ y học dự phòng hạng III lên bác sĩ y học dự phòng chính hạng II: Có thời gian giữ chức danh bác sĩ y học dự phòng hạng II từ 06 năm trở lên nếu tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp 2.
Do đó, mức lương tương ứng của bác sĩ chuyên khoa 2 là mức lương được hưởng của chức danh bác sĩ cao cấp và bác sĩ y học dự phòng cao cấp. Hai đối tượng này có hệ số lương từ 6,2 đến 8,0.
Tương đương, mức lương của hai đối tượng này như sau:
Bậc lương | Hệ số lương | Mức lương (đơn vị: đồng/tháng) |
Bậc 1 | 6,2 | 11.160.000 |
Bậc 2 | 6,56 | 11.808.000 |
Bậc 3 | 6,92 | 12.456.000 |
Bậc 4 | 7,28 | 13.104.000 |
Bậc 5 | 7,64 | 13.752.000 |
Bậc 6 | 8,0 | 14.400.000 |
Trên đây là giải đáp chi tiết về: Bác sĩ chuyên khoa 2 là gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.