Bác sĩ chuyên khoa 1 là gì? Tiêu chuẩn như thế nào?

Khi khám chữa bệnh tại các bệnh viện, người bệnh thường được giới thiệu bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2… Vậy bác sĩ chuyên khoa 1 là gì? Tiêu chuẩn và mức lương của đối tượng này như thế nào?

1. Bác sĩ chuyên khoa 1 là gì?

Bác sĩ chuyên khoa 1 là danh hiệu áp dụng với bác sĩ tốt nghiệp chuyên khoa sau đại học trong lĩnh vực y tế (theo Điều 4 Quy chế ban hành kèm Quyết định số 4306/2003/QĐ-BYT).

Bên cạnh bác sĩ chuyên khoa 1 thì danh hiệu tốt nghiệp chuyên khoa sau đại học lĩnh vực y tế còn có bác sĩ chuyên khoa 2, dược sỹ chuyên khoa 2, bác sĩ nội trú bệnh viện.

Tại Việt Nam, quá trình để trở thành bác sĩ chuyên khoa 1 là phải trải qua thời gian học tại các trường đại học chuyên ngành liên quan đến y khoa. Sau khi tốt nghiệp, những bác sĩ này phải học thêm để được cấp chứng chỉ hành nghề và học chuyên sâu để được cấp văn bằng đào tạo chuyên sâu hơn trong một lĩnh vực cụ thể.

Bác sĩ chỉ được cấp bằng chuyên khoa 1 sau khi đã có quyết định công nhận tốt nghiệp và chỉ được cấp 01 lần kèm theo bảng điểm kết quả học tập. Nếu bị mất hoặc nhàu nát, hư hỏng không thể sử dụng được, có lý do chính đáng thì sẽ được xem xét và cấp giấy chứng nhận thay thế.

(theo Điều 10 Quy chế ban hành kèm Quyết định số 4306 năm 2003 của Bộ Y tế)

Định nghĩa bác sĩ chuyên khoa 1 là gì?
Định nghĩa bác sĩ chuyên khoa 1 là gì? (Ảnh minh họa)

2. Tiêu chuẩn của bác sĩ chuyên khoa 1 thế nào?

Sau khi đã hiểu về bác sĩ chuyên khoa 1 là gì, để trở thành bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ tốt nghiệp cử nhân tại các trường đào tạo về y khoa phải trải qua các chương trình đào tạo chuyên sâu trong khoảng thời gian ít nhất 02 năm.

Trong đó, có thể kể đến một số yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa 1 trong thực tế gồm: Phải có kinh nghiệm lâm sàng từ 12 tháng trở lên, nam không quá 50 tuổi và nữ không quá 45 tuổi.

Theo Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 4306, bác sĩ chuyên khoa 1 được dùng văn bằng này để thi tuyển vào ngạch, nâng ngạch công chức, viên chức phù hợp và có thể được xem xét khi công nhận các chức vị khoa học, đào tạo khác.

Đồng thời, bác sĩ cũng có thể sử dụng văn bằng này để học nâng cao trình độ chuyên môn, trao đổi khoa học trong và ngoài nước hoặc học để chuyển đổi sang văn bẳng tương đương.

3. Bác sĩ chuyên khoa 1 có được chuyển sang thạc sỹ y học?

Bác sĩ chuyên khoa 1 tương đương với người có trình độ thạc sĩ và thực tế cũng như theo quy định hoàn toàn có thể chuyển đổi qua lại giữa thạc sĩ y học và bác sĩ chuyên khoa 1 nếu đáp ứng đầy đủ yêu cầu, điều kiện của từng trường hợp dưới đây:

3.1 Chuyển đổi từ bằng bác sĩ chuyên khoa 1 sang thạc sĩ y học

Theo khoản 1 Điều 1 Mục III Thông tư liên tịch số 30 năm 2003, bác sĩ chuyên khoa 1 có thể học để chuyển đổi tương đương sang bằng thạc sĩ y học, thạc sĩ dược học nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Chuyên ngành của 02 loại văn bằng này phù hợp với nhau.
  • Có Công văn cử đi học chuyển đổi của cơ quan quản lý.
  • Các môn cơ bản, ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh thạc sĩ hằng năm của cơ sở đào tạo sau đại học có chuyên ngành đào tạo thạc sĩ tương ứng đạt yêu cầu và được ra quyết định công nhận là học viên cao học.
  • Hoàn thành được các môn còn thiếu của chương trình đào tạo thạc sĩ và bảo vệ luận văn thành công.

3.2 Chuyển đổi từ thạc sĩ y học sang bác sĩ chuyên khoa 1

Bên cạnh việc được chuyển đổi từ bằng bác sĩ chuyên khoa 1 sang thạc sĩ thì còn có thể chuyển đổi ngược lại từ bằng thạc sĩ y học sang bác sĩ chuyên khoa 1. Các điều kiện chuyển đổi được nêu tại khoản 2 Điều 1 Mục III Thông tư liên tịch số 30 năm 2003 như sau:

  • Chuyên ngành của bằng thạc sĩ và bằng bác sĩ chuyên khoa 1 phù hợp với nhau
  • Được cơ quan quản lý nhân sự ban hành công văn cử đi học chuyển đổi
  • Đạt yêu cầu môn chuyên ngành còn thiếu trong kỳ thi tuyển sinh chuyên khoa 1 hằng năm của các trường đào tạo sau đại học và được Bộ Y tế công nhận trúng tuyển.
  • Hoàn thành các môn còn thiếu của chương trình đào tạo chuyên khoa 1 và thi tốt nghiệp thực hành chuyên khoa cấp 1.
Được phép chuyển đổi giữa bác sĩ chuyên khoa 1 là thạc sĩ y học
Được phép chuyển đổi giữa bác sĩ chuyên khoa 1 là thạc sĩ y học (Ảnh minh họa)

4. Lương bác sĩ chuyên khoa 1 xếp như thế nào?

Ngoài định nghĩa bác sĩ chuyên khoa 1 là gì, bài viết còn nêu về mức lương áp dụng cho viên chức là bác sĩ chuyên khoa 1.

Theo đó, căn cứ Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV, sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2022/TT-BYT, yêu cầu về trình độ đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1 là yêu cầu áp dụng với các chức danh bác sĩ chính hạng II hoặc bác sĩ y học dự phòng chính hạng II.

Trong khi đó, lương của chức danh bác sĩ chính và bác sĩ y học dự phòng chính được hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 13 Thông tư liên tịch số 10 năm 2015 như sau:

b) Chức danh nghề nghiệp bác sĩ chính (hạng II), chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương từ 4,40 đến hệ số lương 6,78;

Như vậy, người có bằng bác sĩ chuyên khoa 1 sẽ được hưởng lương như viên chức loại A2, nhóm A2.1, có hệ số lương từ 4,4 - 6,78, tương đương với mức lương từ 7.920.000 - 12.204.000 đồng/tháng.

Cụ thể như sau:

Đơn vị tính: đồng/tháng

Bậc lương

Hệ số

Mức lương

Bậc 1

4,4

7.920.000

Bậc 2

4,74

8.532.000

Bậc 3

5,08

9.144.000

Bậc 4

5,42

9.756.000

Bậc 5

5,76

10.368.000

Bậc 6

6,1

10.980.000

Bậc 7

6,44

11.592.000

Bậc 8

6,78

12.204.000

Trên đây là giải đáp bác sĩ chuyên khoa 1 là gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Đề xuất tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn trong quân đội

Tại dự thảo Nghị định mới đây, Bộ Quốc phòng đã đề xuất quy định mới về tiêu chí, tiêu chuẩn thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc và trước thời hạn. Theo dõi bài viết dưới đây để có thông tin cụ thể.