Quyền nhận cha mẹ con của công dân
Theo quy định tại Điều 90, 91 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cha mẹ có quyền nhận con và con có quyền nhận cha mẹ kể cả trường hợp người được nhận đã chết. Khi con đã thành niên, nếu muốn nhận cha thì không cần sự đồng ý của mẹ, nhận mẹ thì không cần sự đồng ý của cha.
Ngoài ra, nếu có con ngoài giá thú, có con với người khác khi đã có vợ hoặc có chồng, giờ muốn nhận con thì không cần sự đồng ý của người còn lại.
Thủ tục nhận cha, mẹ, con
Thẩm quyền thực hiện thủ tục nhận cha, mẹ, con
Theo quy định tại Điều 24 và Điều 43 Luật Hộ tịch 2014, thẩm quyền thực hiện thủ tục nhận cha, mẹ, con được xác định như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con
- Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa:
+ Công dân Việt Nam với người nước ngoài;
+ Công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
+ Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau;
+ Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài;
+ Giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.
Giấy tờ cần chuẩn bị
Khi thực hiện thủ tục nhận cha, mẹ, con, mọi người cần phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau đây:
- Tờ khai đăng ký nhận cha mẹ con (theo mẫu)
- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con (Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP):
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định trong nước hoặc nước ngoài xác định quan hệ cha con, mẹ con
+ Thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con
+ Văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng
Khi đến thực hiện thủ tục, người yêu cầu phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Thời hạn giải quyết
Khi người yêu cầu nộp đủ các loại giấy tờ nêu trên thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng, không có tranh chấp thì sẽ cấp trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con cho người yêu cầu.
Nếu cần phải xác minh, kiểm tra lại thì thời hạn kéo dài cũng không quá 5 ngày làm việc.
Ví dụ cách điền Mẫu tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con cụ thể
https://cdn.luatvietnam.vn/uploaded/Others/2020/11/30/6._TK_dang_ky_nhan_CMC_3011114023.docVí dụ cách điền Mẫu tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con (Ảnh minh họa)
Hướng dẫn cách điền Mẫu tờ khai
Mục “Kính gửi”: Ghi rõ tên cơ quan đăng ký – nơi có thẩm quyền đăng ký như đã nêu ở trên.
Ví dụ: Ủy ban nhân dân phường A, quận B, thành phố H.
Mục “Nơi cư trú”: Ghi theo địa chỉ đăng ký thường trú;
Nếu không có nơi đăng ký thường trú thì ghi theo địa chỉ đăng ký tạm trú;
Trường hợp không có nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú thì ghi theo nơi đang sinh sống.
Ví dụ: SN 123, ngõ xx, phường A, quận B, thành phố H.
Mục “Giấy tờ tùy thân”: Ghi thông tin về giấy tờ tùy thân như: hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế
Ví dụ: Chứng minh nhân dân số 001089123 do Công an thành phố Hà Nội cấp ngày 20/10/2004;
Mục “Quan hệ với người nhận cha/mẹ/con”: Chỉ cần thiết trong trường hợp người khai không đồng thời là người nhận cha/mẹ/con;
Ví dụ: Bản thân
Mục “Ý kiến của người hiện đang là mẹ hoặc cha”: Chỉ cần thiết trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên hoặc người đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.
Khi đó, ghi ý kiến của người là cha nếu mẹ là người yêu cầu, ý kiến người mẹ nếu cha là người yêu cầu trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Mục “Ý kiến của người được nhận là cha, mẹ, con”: Chỉ cần thiết trong trường hợp người được nhận là trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên.
Trên đây là Mẫu Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con và hướng dẫn cách điền. Để xem thêm các biểu mẫu khác đọc tại đây.