Mẫu Tờ khai đăng ký chấm dứt giám hộ được ban hành kèm Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 hướng dẫn Luật Hộ tịch 2014.
Giám hộ là gì? Điều kiện để được làm người giám hộ
Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ: Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi...
Theo đó, người giám hộ bao gồm các đối tượng:
- Do luật quy định,
- Do Ủy ban nhân dân cấp xã cử
- Do Tòa án chỉ định
- Do người được giám hộ lựa chọn khi người này có đầy đủ năng lực hành vi dân sự
Trong đó, việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và đáp ứng các điều kiện sau:
- Cá nhân là người giám hộ:
+ Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự
+ Có tư cách đạo đức tốt và điều kiện cần thiết
+ Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị kết án nhưng chưa xóa án tích về các Tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản người khác
+ Không bị Tòa tuyên bố hạn chế quyền với con chưa thành niên
- Pháp nhân là người giám hộ:
+ Có năng lực dân sự phù hợp
+ Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ người giám hộ
Căn cứ: Điều 49 Bộ luật Dân sự 2015.
Các trường hợp chấm dứt việc giám hộ
Các trường hợp chấm dứt giám hộ được quy định tại Điều 62 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
- Người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, chết, được nhận làm con nuôi
- Cha mẹ của người giám hộ chưa thành niên đã có đủ điều kiện thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình
Khi chấm dứt giám hộ thì người giám hộ phải:
- Thanh toán tài sản
- Chuyển giao đầy đủ quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự
Đặc biệt, nếu người được giám hộ chết thì phải bàn giao lại cho người thừa kế hợp pháp của người đó.
Việc này phải được lập thành văn bản với sự giám sát của người giám sát việc giám hộ.
Mẫu Tờ khai chấm dứt giám hộ mới nhất (Ảnh minh họa)
Chú thích cách điền Tờ khai đăng ký chấm dứt giám hộ
(1) Ghi rõ tên cơ quan đăng ký chấm dứt giám hộ.
Ví dụ: Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
(2) Ghi theo nơi đăng ký thường trú,.
- Nếu không có nơi đăng ký thường trú thì ghi theo nơi đăng ký tạm trú;
- Nếu không có cả hai nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú thì ghi theo nơi đang sinh sống.
Ví dụ: SN 123 Bà Triệu, phường A, thành phố B, tỉnh C
(3) Ghi thông tin về giấy tờ tùy thân như: Hộ chiếu, chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế. Nêu rõ số, ngày tháng năm cấp, cơ quan cấp.
Ví dụ: Chứng minh nhân dân số 001089123 do Công an thành phố Hà Nội cấp ngày 20/10/2014.
(4) Ghi tên cơ quan đăng ký giám hộ trước đây.
Ví dụ: Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Trên đây là Tờ khai đăng ký chấm dứt việc giám hộ. Để đọc thêm các biểu mẫu khác, xem tại đây.
Nguyễn Hương