Thỏa ước lao động tập thể là văn bản quan trọng giúp các doanh nghiệp thiết lập, duy trì nề nếp, điều kiện làm việc. LuatVietnam cung cấp Mẫu Thỏa ước lao động tập thể 2019 chi tiết nhất.
Thỏa ước lao động tập thể là gì?
Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.
Có 03 loại thỏa ước lao động tập thể: Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và hình thức thỏa ước lao động tập thể khác.
Với việc bảo vệ quyền lợi người lao động, nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động.
(theo Điều 73 Bộ luật Lao động 2012)
Ai là người ký kết thỏa ước lao động tập thể?
Thỏa ước lao động tập thể được ký kết giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động. Cụ thể theo Điều 18 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:
- Phía tập thể lao động: Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc Chủ tịch công đoàn cấp trên trực tiếp nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở;
- Phía người sử dụng lao động: Người đại diện theo pháp luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Nếu có ủy quyền cho người khác ký thì phải ủy quyền bằng văn bản và người được ủy quyền không được tiếp tục ủy quyền cho người khác.
Lưu ý:
Thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên thương lượng tập thể và:
- Có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được (trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp);
- Có trên 50% số đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được (trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể ngành);
Khi thoả ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho mọi người lao động của mình biết.
Mẫu Thỏa ước lao động tập thể
THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ Căn cứ Bộ luật Lao động nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 18/6/2012; Căn cứ Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động; Căn cứ Nghị định 148/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP; Căn cứ Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương; Căn cứ Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động; Căn cứ thoả thuận giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động sau khi lấy ý kiến của tập thể người lao động trong doanh nghiệp; Để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của mỗi bên trong quan hệ lao động, chúng tôi gồm có: 1. Đại diện người sử dụng lao động (NSDLĐ): Ông/Bà: ……………………………… Chức danh: …………………………. Địa chỉ: ………………………………………………………………………….. Chứng minh thư nhân dân: …………………………...……………………… Ngày cấp: ……………………………… Nơi cấp: …………………………… Điện thoại di động: …………………………………………………………….. 2. Đại diện tập thể lao động: Họ tên: ………………………………. Chức danh: ………………………….. Địa chỉ: ………………………………………………………………………….. Chứng minh thư nhân dân: …………………………...……………………… Ngày cấp: ……………………………… Nơi cấp: …………………………… Hai bên cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật và cùng nhau thoả thuận ký kết Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp với các điều khoản cụ thể như sau: Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thoả ước lao động tập thể này quy định mối quan hệ lao động giữa tập thể lao động và NSDLĐ về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong thời hạn Thỏa ước có hiệu lực. Mọi trường hợp khác trong mối quan hệ lao động không quy định trong bản Thỏa ước lao động tập thể này, sẽ được giải quyết theo Bộ luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Điều 2. Đối tượng thi hành 1. Người sử dụng lao động. 2. Người lao động (NLĐ) đang làm việc tại doanh nghiệp, kể cả NLĐ trong thời gian học nghề, tập nghề, thử việc, NLĐ vào làm việc sau ngày Thỏa ước có hiệu lực. 3. Ban chấp hành Công đoàn cơ sở/Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (nơi không có công đoàn cơ sở). Điều 3. Thời hạn của thỏa ước 1. Thỏa ước này có hiệu lực 03 năm kể từ ngày ký. 2. Sau 06 tháng, các bên có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung Thỏa ước. Việc sửa đổi, bổ sung phải được tiến hành theo trình tự như khi ký kết. 3. Khi thời hạn của Thỏa ước hết hiệu lực hai bên thực hiện theo quy định tại Điều 81 Bộ luật Lao động. Điều 4. Cam kết của NSDLĐ bảo đảm quyền hoạt động của công đoàn NSDLĐ có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về quyền công đoàn, trích nộp kinh phí công đoàn đầy đủ và tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn hoạt động. Điều 5. Cam kết của NLĐ về việc chấp hành Nội quy lao động của doanh nghiệp 1. NLĐ có trách nhiệm chấp hành đúng các nội dung quy định trong hợp đồng lao động, Nội quy lao động và Thoả ước lao động tập thể. 2. Thực hiện đúng quy trình sản xuất, đặc biệt là các quy trình về an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp. 3. Có tinh thần trách nhiệm trong công việc, có ý thức kỷ luật lao động, hạn chế đến mức thấp nhất việc làm hư hỏng máy móc, hàng hoá, sản phẩm của doanh nghiệp. 4. Phối hợp cùng doanh nghiệp trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, đảm bảo tiến độ công việc. 5. Không tham gia đình công, tranh chấp lao động tập thể trái quy định của pháp luật. Chương II. NỘI DUNG THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ Điều 6. Việc làm và bảo đảm việc làm 1. NSDLĐ phải đảm bảo việc làm cho NLĐ trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng. 2. Thời gian nghỉ chờ việc do thiếu đơn hàng hay do lý do khách quan khác như điện nước thì NLĐ được trả 100% tiền lương theo hợp đồng lao động, nhưng không được thấp hơn lương tối thiểu vùng do nhà nước qui định. 3. NSDLĐ sẽ hỗ trợ 100% học phí khi NLĐ tham gia các khoá học nghề do DN yêu cầu và cam kết làm việc tại doanh nghiệp sau khi học nghề từ 02 năm trở lên. 4. NLĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không bị xử lý kỷ luật lao động sẽ được tái ký hợp đồng lao động khi hết hạn hợp đồng. 5. NLĐ tham gia đình công trái pháp luật sẽ không được tái ký khi hết hạn hợp đồng. Điều 7. Công tác đào tạo 1. Doanh nghiệp coi trọng công tác đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ chính trị, văn hóa, ngoại ngữ, tin học cho NLĐ nhằm phục vụ thiết thực có hiệu quả cao cho doanh nghiệp. 2. Trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, từng giai đoạn, vào thời điểm thích hợp, doanh nghiệp sẽ đào tạo hoặc cử NLĐ đi đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ tay nghề cho phù hợp với yêu cầu công việc thực tế. Tổ chức cho NLĐ làm công tác quản lý, chuyên môn nghiệp và công nhân kỹ thuật đi học tập kinh nghiệm ở các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. 3. Doanh nghiệp khuyến khích và tạo điều kiện cho NLĐ tự học hỏi nâng cao, bồi dưỡng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn để phục vụ công việc tốt hơn. Điều 8. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi 1. Doanh nghiệp thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định tại Nội quy lao động đăng ký theo quy định của pháp luật. 2. Ngoài những ngày nghỉ việc riêng, hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật, người lao động còn được nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau: a) Anh chị em ruột mất: nghỉ 1 ngày. b) Vợ sinh con lần thứ nhất và thứ hai: Chồng được nghỉ 05 ngày (NLĐ phải nộp cho doanh nghiệp các giấy tờ hợp lệ: Giấy chứng sinh) 3. Ngoài các ngày nghỉ lễ, tết hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, NLĐ còn được nghỉ hưởng nguyên lương trong trường hợp sau: Ngày thành lập doanh nghiệp: Doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống trong một buổi và mọi NLĐ phải tham gia; một buổi còn lại NLĐ được nghỉ ngơi và hưởng lương. (Còn tiếp)…. |
Để xem toàn văn Mẫu Thỏa ước lao động tập thể chi tiết nhất do LuatVietnam cung cấp, độc giả có thể tải về tại đây.
>> Khác biệt giữa thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động