Mẫu Nội quy lao động chi tiết nhất dùng cho mọi doanh nghiệp

Nội quy lao động được coi là “luật” trong nội bộ doanh nghiệp. LuatVietnam cung cấp Mẫu Nội quy lao động chi tiết nhất mà mọi doanh nghiệp có thể áp dụng.

https://cms.luatvietnam.vn/uploaded/Others/2019/12/19/Mau-Noi-quy-lao-dong_1912153156.do

Nội quy lao động là gì?

Nội quy lao động là tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động đối với doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị cũng như các biện pháp xử lý đối với những người không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ.

Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Lao động 2012, doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản và phải có 05 nội dung cơ bản:

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

- Trật tự tại nơi làm việc;

- An toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi làm việc;

- Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ;

- Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.

Thủ tục đăng ký nội quy lao động

Trước khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn tại cơ sở và trong vòng 10 ngày, kể từ ngày ban hành, phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp có trụ sở.

Hồ sơ đăng ký nội quy lao động gồm:

- Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;

- Các văn bản có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất;

- Biên bản góp ý kiến của tổ chức công đoàn tại cơ sở;

- Nội quy lao động.

Nội quy lao động có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày Sở LĐ-TB&XH nhận đủ hồ sơ nêu trên.

Nội quy phải được thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.

(Điều 120 và Điều 121 Bộ luật Lao động 2012)

Mẫu Nội quy lao động mới nhất


CÔNG TY ABC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: ………………

………, ngày ….. tháng …..năm ……

NỘI QUY LAO ĐỘNG

Căn cứ Bộ luật Lao động nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 18/6/2012;

Căn cứ Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10/05/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động;

Căn cứ Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động;

Căn cứ Nghị định 148/2018/NĐ-CP ngyaf 24/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động;

Căn cứ tổ chức sản xuất kinh doanh và tổ chức lao động trong doanh nghiệp;

Sau khi trao đổi và thống nhất với Ban chấp hành Công đoàn Công ty;

Giám đốc Công ty ban hành Nội quy lao động trong Công ty gồm các quy định sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nội dung và mục đích

Nội quy lao động là những quy định về kỷ luật lao động mà người lao động phải thực hiện khi làm việc tại doanh nghiệp; quy định việc xử lý đối với người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động; quy định trách nhiệm vật chất đối với người lao động vi phạm kỷ luật làm thiệt hại tài sản của Công ty.

Điều 2. Phạm vi áp dụng

Nội quy lao động áp dụng đối với tất cả mọi người lao động làm việc trong doanh nghiệp theo các hình thức và các loại hợp đồng lao động, kể cả người lao động trong thời gian thử việc, học nghề.

Điều 3. Áp dụng, sửa đổi và bổ sung

Những vấn đề không được quy định trong Nội quy lao động này sẽ được giải quyết theo những quy định của pháp luật lao động.

Tùy thuộc vào sự thay đổi chính sách của Công ty và pháp luật lao động, những điều khoản trong nội quy này có thể được sửa đổi, bổ sung tùy từng trường hợp. Công ty sẽ đăng ký những sửa đổi này tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội và thống báo cho tất cả người lao động.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Những nội dung quy định trong nội quy này có hiệu lực kể từ ngày được Sở Lao động Thương binh và Xã hội xác nhận đăng ký.

CHƯƠNG II

THỜI GIỜ LÀM VIỆC - THỜI GIAN NGHỈ NGƠI

Điều 5. Thời giờ làm việc và nghỉ ngơi

1. Thời giờ làm việc:

- Thời gian làm việc trong tuần:

+ Số giờ: 40 giờ/tuần

+ Số ngày: 05 ngày

+ Ngày cụ thể: Từ thứ Hai đến thứ Sáu

- Thời gian làm việc trong ngày:

+ Số giờ: 08 giờ/ngày

+ Sáng: Từ 8:30 đến 12:00

+ Chiều: Từ 13:00 đến 17:30

2. Thời giờ nghỉ ngơi:

- Nghỉ trưa: Từ 12:00 đến 13:00

- Nghỉ hàng tuần: Thứ Bảy và Chủ nhật.

Thời gian làm việc có thể được điều chỉnh dựa trên yêu cầu công việc hoặc điều kiện thực tế. Việc điều chỉnh sẽ được thông báo trước tới người lao động.

Trường hợp do tính chất công việc phải làm việc trong những ngày nghỉ tuần và giờ nghỉ thì sẽ được bố trí nghỉ luân phiên vào thời gian thích hợp.

Điều 6. Nghỉ ngày lễ

Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương 10 ngày lễ trong năm, cụ thể:

+ Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01/01 dương lịch)

+ Tết Nguyên đán: 05 ngày (ngày 01/01 âm lịch)

+ Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (mồng 10/3 âm lịch)

+ Ngày Chiến thắng: 01 ngày (30/4 dương lịch)

+ Ngày Quốc tế Lao động: 01 ngày (01/5 dương lịch)

+ Ngày Quốc Khánh: 01 ngày (02/9 dương lịch).

Nếu những ngày nghỉ trên trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày tiếp theo hoặc theo sự sắp xếp của Giám đốc Công ty.

Điều 7. Nghỉ phép năm

1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc tại công ty thì được nghỉ 12 ngày phép năm hưởng nguyên lương.

2. Đối với trường hợp làm không đủ năm (làm việc dưới 12 tháng):

Lấy số ngày nghỉ hàng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hàng năm.

Kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 01 đơn vị.

3. Cứ 05 năm làm việc tại công ty thì số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm 01 ngày.

4. Lịch nghỉ phép hàng năm:

- Mỗi tháng người lao động được nghỉ 01 ngày, nếu không nghỉ thì ngày phép đó sẽ cộng dồn vào những tháng sau. Nhân viên cũng có thể sử dụng một lần phép năm nếu không ảnh hưởng đến công việc.

- Khi người lao động muốn nghỉ phép phải làm đơn xin phép và được sự đồng ý của người quản lý trực tiếp hoặc Giám đốc. Nếu có bất kỳ thay đổi nào ảnh hưởng đến lịch nghỉ phép, người lao động phải thông báo ngay cho người quản lý trực tiếp hoặc Giám đốc. Bất kỳ sự thay đổi nào về số ngày phép đã được chấp thuận trước đó sẽ phải tuân thủ theo trình tự nộp đơn xin nghỉ phép/duyệt phép giống như lần xin phép ban đầu.

- Trong các trường hợp nghỉ từ 05 ngày trở lên thì phải làm đơn xin phép trước 02 tuần.

- Trường hợp khẩn cấp, xin nghỉ trong ngày, người lao động có thể thông báo bằng điện thoại cho cấp trên của mình trước 8 giờ sáng hôm đó.

5. Khi nghỉ hàng năm, nếu người lao động đi bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

6. Cách giải quyết số ngày phép chưa nghỉ hết trong năm:

- Trường hợp chưa sử dụng hết thì những ngày nghỉ này sẽ được chuyển sang cho năm kế tiếp. Tuy nhiên người lao động phải nghỉ hết ngày phép của mình trước Quý Icủa năm sau, tức là trước ngày 30 tháng 3 năm sau.

- Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.
.....

Mẫu Nội quy lao động còn nhiều nội dung khác, vui lòng tải về để xem chi tiết.

https://cdn.luatvietnam.vn/uploaded/Others/2020/11/23/Mau-Noi-quy-lao-dong_1912153156_2311170421.docTrên đây là Mẫu Nội quy lao động chi tiết nhất do LuatVietnam cung cấp. Mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp đều có thể sử dụng cho mục đích quản lý của mình.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục