Mẫu Hợp đồng mượn nhà chi tiết và đơn giản nhất

Giống như Hợp đồng thuê nhà, khi hai bên muốn mượn nhà để ở, làm trụ sở…. thì cần phải lập thành văn bản. Sau đây là Mẫu Hợp đồng mượn nhà cơ bản và ví dụ về mẫu mượn nhà làm trụ sở chi tiết nhất.
Mẫu hợp đồng thuê nhà 2019

Một số lưu ý về Mẫu Hợp đồng mượn nhà

1. Hợp đồng mượn nhà là gì?

Theo quy định tại Điều 494 Bộ luật Dân sự 2015, Hợp đồng mượn nhà là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền. Hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được, bên mượn phải trả ại tài sản đó.

Như vậy, hợp đồng mượn nhà khác hoàn toàn với các loại hợp đồng phát sinh lợi ích khác là hợp đồng này không phát sinh lợi ích vật chất giữa các bên với nhau.

2. Đối tượng của Hợp đồng

Đối với hợp đồng mượn nhà, đối tượng của hợp đồng vẫn giống như các loại hợp đồng về nhà ở khác. Theo đó, đây phải là ngôi nhà chưa được sử dụng vào mục đích: cho thuê, mua bán, tặng cho, thế chấp…

Đặc biệt, theo 118 Luật Nhà ở 2014, cho mượn nhà thuộc một trong các trường hợp không cần có Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, nên có đầy đủ giấy tờ.

Ngoài ra, còn cần phải mô tả thông tin về nhà đất cụ thể trong Hợp đồng như: diện tích, địa chỉ, số tầng, hiện trạng thực tế của căn nhà ….

3. Hình thức của Hợp đồng

Cũng giống các loại Hợp đồng về nhà ở khác, Hợp đồng cho thuê nhà phải được lập thành văn bản theo quy định tại Điều 121 Luật Nhà ở 2014. Cụ thể bắt buộc phải có các thông tin sau đây:

- Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;

- Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó

- Thời hạn cho mượn;

- Quyền và nghĩa vụ của các bên;

- Cam kết của các bên;

- Các thỏa thuận khác (nếu có)

- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;

- Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;

- Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.

Ngoài ra, hợp đồng cho mượn theo quy định tại Điều 122 Luật Nhà ở 2014 thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực trừ trường hợp các bên có nhu cầu. Do đó, không nhất thiết phải công chứng, chứng thực nhưng bắt buộc phải lập thành văn bản.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp nhà ở có giá trị lớn thì nên công chứng, chứng thực để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên.

4. Các bên trong Hợp đồng cho mượn nhà

Bên cho mượn nhà:

Bắt buộc phải là chủ sở hữu hợp pháp của căn nhà cho mượn.

Ngoài ra, có thể là cá nhân, vợ chồng hoặc hộ gia đình. Trong mọi trường hợp đều cần phải ghi đầy đủ các thông tin về nhân thân như:

- Họ và tên, ngày tháng năm sinh

- Các giấy tờ nhân thân như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân, cơ quan cấp, ngày được cấp

- Địa chỉ thường trú, địa chỉ liên lạc, số điện thoại…

Bên mượn nhà:

- Cũng như bên cho mượn, bên mượn nhà có thể là cá nhân, vợ chồng, hộ gia đình hoặc công ty.

Khi bên mượn nhà là công ty thì ghi rõ thông tin của công ty cùng với người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền.

5.  Các khoảng thời gian trong hợp đồng

Trong bất kỳ hợp đồng nào, các khoảng thời gian luôn phải được ưu tiên và ghi rõ ràng, tránh xảy ra sự cố nhầm lẫn. Trong hợp đồng mượn nhà cũng thế. Về các khoảng thời gian thì nên ghi rõ bằng số và bằng chữ, ghi rõ đơn vị thời gian là năm, tháng hay ngày.

Các khoảng thời gian cần lưu ý đó là:

- Thời gian cho mượn: Tùy vào mục đích sử dụng khi mượn nhà mà thời gian cho mượn sẽ khác nhau và do các bên thỏa thuận với nhau. Cần đặc biệt chú ý đến thời gian cho mượn và thời gian chấm dứt việc cho mượn để tránh các tranh chấp có thể xảy ra sau này.

- Thời gian bàn giao nhà cho mượn: Nên quy định thời gian bàn giao nhà và thời gian nhận nhà sau khi hết hợp đồng. Có thể là ngay sau khi ký hợp đồng và ngay sau khi hết hạn hợp đồng.

- Thời gian báo trước khi muốn chấm dứt hợp đồng trước hạn. Trong hợp đồng cho mượn nên quy định cụ thể thời gian muốn chấm dứt hợp đồng trước hạn để các bên có thời gian chuẩn bị cho việc bàn giao nhà…

- Khi muốn gia hạn thời gian mượn cũng cần phải báo trước….

6. Mục đích cho mượn nhà

Bởi mượn nhà không phát sinh việc thanh toán tiền, do đó, nên ghi rõ mục đích cho mượn nhà. Trong mục này, cần nêu rõ mục đích để tránh trường hợp mượn nhà để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

Ngoài ra, nêu rõ mục đích cho mượn nhà có thể ngăn được trường hợp phát sinh tranh chấp khi hết thời hạn cho mượn, khi thực hiện xong mục đích mượn nhà mà không trả lại nhà.
Ví dụ: Mục đích mượn nhà để ở tạm trong thời gian đang xây nhà mới. Vậy khi mục đích xây nhà hoàn thành thì sẽ phải trả lại nhà. Như vậy, mục đích mượn nhà có vai trò quyết định trong việc thực hiện hợp đồng mượn nhà.

7. Thay đổi, chấm dứt hợp đồng mượn nhà

Trong một hợp đồng, quy định về thay đổi, chấm dứt hợp đồng mượn nhà là quy định quan trọng không kém. Theo quy định tại Điều 154 Luật Nhà ở 2014, các trường hợp chấm dứt hợp đồng mượn nhà bao gồm:

- Thời hạn cho mượn đã hết.

- Nhà ở cho mượn không còn.

- Bên mượn chết hoặc mất tích theo tuyên bố của Tòa án.

- Nhà ở cho mượn có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc diện đã có quyết định giải toả, phá dỡ hoặc thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Theo thoả thuận của các bên

Vì vậy, phải ghi rõ thời hạn, lý do chấm dứt hợp đồng để tránh các phát sinh tranh chấp xảy ra.

Ví dụ cụ thể về Mẫu Hợp đồng mượn nhà làm trụ sở công ty.

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------------

HỢP ĐỒNG MƯỢN NHÀ LÀM TRỤ SỞ CÔNG TY

     Hôm nay, ngày 01 tháng 04 năm 2019, tại  SN 123, đường A, phường B, thành phố C, tỉnh D, chúng tôi gồm:

BÊN CHO MƯỢN NHÀ: (sau đây gọi là Bên A):

    Ông Đặng Văn A sinh năm 19xx, CMND số 0124889xx do Công an tỉnh D cấp ngày 03/08/2013;

   Cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thúy B sinh năm 19xx, CMND số 0118274xx do Công an tỉnh D cấp ngày 07/10/2010;

   Cả hai ông bà cùng có hộ khẩu thường trú tại: SN 123, đường A, phường B, thành phố C, tỉnh D;

BÊN MƯỢN NHÀ: (sau đây gọi là Bên B): Công ty TNHH hai thành viên X

- Trụ sở tại: Tổ xxx, đường A, phường B, thành phố C, tỉnh D;

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên số 0107056xxx do Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh D cấp, đăng ký lần đầu ngày 22/10/2015.

- Đại diện theo pháp luật của công ty ký Hợp đồng là: Ông Nguyễn Văn C sinh năm 19xx, CMND số 012240xxx do Công an tỉnh D cấp ngày 07/12/2012;

- Chức vụ: Giám đốc.

    Sau khi đó bàn bạc thoả thuận hai bên nhất trí ký kết Hợp đồng mượn nhà này (sau đây gọi là Hợp đồng) để thực hiện việc cho mượn nhà với những điều khoản như sau:

Điều 1.  Đối tượng của Hợp đồng

1. Bên A cam đoan: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cấp cho ông Nguyễn Văn A và bà Nguyễn Thị Thúy B theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 123456, số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: 1234/QĐ-UB/2011 do UBND thành phố C, tỉnh D cấp ngày 27/11/2009.

Hiện trạng được ghi cụ thể như sau:

* Thửa đất được quyền sử dụng:

- Thửa đất số: 123;

- Tờ bản đồ số: 100;

- Địa chỉ: SN 123, đường A, phường B, thành phố C, tỉnh D;

- Diện tích: 67,5 m2 (Bằng chữ: sáu mươi bảy phẩy năm mét vuông);

- Hình thức sử dụng:

            + Sử dụng riêng: 67,5 m2;                     

            + Sử dụng chung: Không m2;

- Mục đích sử dụng: Đất ở;

- Thời hạn sử dụng: Lâu dài;

- Nguồn gốc sử dụng: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất;

* Tài sản gắn liền với đất:

Nhà ở: Kết cấu bê tông, 6 tầng, DTXD 67,5 m2, DTSD 400 m2;

2. Bằng hợp đồng này, Bên A đồng ý cho Bên B mượn toàn bộ ngôi nhà nêu trên.

3. Bên B đồng ý mượn toàn bộ toàn bộ ngôi nhà nêu trên của Bên A.

Điều 2. Thời gian bàn giao, thời hạn mượn và mục đích mượn

1. Thời gian bàn giao nhà

    Bên A đã bàn giao toàn bộ ngôi nhà nêu trên theo đúng như hiện trạng cho Bên B trước khi hai bên ký hợp đồng này. Việc bàn giao toàn bộ ngôi nhà nêu trên do hai bên tự thoả thuận và hoàn toàn tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2. Thời hạn mượn nhà

 Thời hạn mượn nhà là 05 (năm) năm kể từ ngày Hợp đồng này được các bên ký kết.

3. Mục đích mượn nhà

   Bên B mượn toàn bộ ngôi nhà nêu trên để làm trụ sở của Bên B.

Điều 3: Nghĩa vụ và quyền của hai bên

1. Nghĩa vụ và quyền của Bên A

- Diện tích cho mượn nêu trên không bị ràng buộc dưới bất kỳ hình thức nào bởi các giao dịch đang tồn tại như: Chuyển nhượng/ mua bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn.

- Có trách nhiệm hỗ trợ về mặt giấy tờ cho bên B trong việc thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật liên quan đến việc sửa chữa, cải tạo, làm mới căn nhà phù hợp với mục đích kinh doanh của Bên B.

- Đòi lại ngôi nhà khi hết thời hạn mượn nhà;

- Đòi lại tài sản khi Bên B không sử dụng đúng mục đích đã thỏa thuận.

2. Nghĩa vụ và quyền của Bên B

- Bảo đảm về an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, đóng góp khi chính quyền địa phương có yêu cầu;

- Tự chịu trách nhiệm về sự hư hỏng, mất mát các trang thiết bị nội thất, các tài sản thuộc quyền sở hữu của bên B và tác hại gây ra cho người thứ ba khi sử dụng nhà mượn.

- Chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của mình;

- Không sử dụng ngôi nhà để thực hiện hoạt động trái pháp luật;

- Hàng tháng Bên B thanh toán trực tiếp tiền điện, tiền nước theo số đồng hồ điện, nước sử dụng cho nhà cung cấp;

- Khi thanh lý Hợp đồng, toàn bộ tài sản trên đất của Bên B sẽ thuộc về Bên A. Đồng thời phải thanh toán hết các hoá đơn điện, nước, điện thoại, vệ sinh .v.v. mà Bên B đã sử dụng cho nhà cung cấp.

Điều 4. Thay đổi, chấm dứt hợp đồng

1. Hợp đồng chấm dứt trước hạn trong các trường hợp:

- Do thiên tai, hoả hoạn xảy ra mà các bên không lường trước được và không thể khắc phục được;

- Các bên thoả thuận chấm dứt việc thực hiện Hợp đồng;

2. Bên A có quyền chấm dứt Hợp đồng cho mượn nhà với bên B trong trường hợp: Pháp nhân là bên B bị giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Bên nào muốn chấm dứt Hợp đồng trước thời hạn thì phải thông báo bằng văn bản cho bên kia biết trước 01 (một) tháng.

Điều 5. Phương thức giải quyết tranh chấp

     Trong quá trình thực hiện Hợp đồng này, nếu phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trong trường hợp không thương lượng được thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Cam kết chung

1. Hai bên cam kết thực hiện đúng các điều khoản trong Hợp đồng. Mọi sửa đổi, bổ sung Hợp đồng này phải được hai bên thỏa thuận bằng văn bản. Bên nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại gây ra cho bên kia (nếu có).

* Tại thời điểm ký kết, Bên A và đại diện của Bên B hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, ép buộc, cam đoan đã biết rõ về nhân thân và thông tin về những người có tên trong Hợp đồng này.

* Các bên cam kết mọi giấy tờ về nhân thân và tài sản để làm hợp đồng này đều là giấy tờ thật, cấp đúng thẩm quyền, còn nguyên giá trị pháp lý và không bị tẩy xóa, sửa chữa. Nếu sai các bên hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật kể cả việc mang tài sản chung, riêng để đảm bảo cho lời cam đoan trên. 

- Nếu có thắc mắc, khiếu nại, khiếu kiện dẫn đến Hợp đồng vô hiệu (kể cả vô hiệu một phần) thì các bên tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2. Sau khi Hợp đồng hết thời hạn, nếu một trong hai bên muốn ký tiếp hợp đồng mới thì phải thông báo cho bên kia bằng văn bản ít nhất 03 (ba) tháng trước khi hết hạn Hợp đồng.

- Hợp đồng chấm dứt khi hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng mới.

- Trường hợp nếu hai bên cùng có nhu cầu cho mượn và mượn tiếp, hai bên sẽ thoả thuận ký hợp đồng mới được hai bên chấp thuận.

3. Hợp đồng này có hiệu lực kể từ thời điểm được hai bên ký kết.

4. Hai bên đã đọc lại toàn bộ nội dung của hợp đồng này cũng như quyền, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý khi các bên lập bản hợp đồng này. Hai bên công nhận đã hiểu rõ, đồng ý với toàn bộ nội dung của hợp đồng, không có điều gì vướng mắc. Bên A đã tự nguyện ký tên/điểm chỉ ngón trỏ phải vào Hợp đồng này, Bên B tự nguyện ký tên/đóng dấu vào Hợp đồng để làm bằng chứng.

Hợp đồng được lập thành 02 bản, có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ 01 bản.

    BÊN CHO MƯỢN NHÀ                                         BÊN MƯỢN NHÀ

            (ký và ghi rõ họ tên)                                          (ký và ghi rõ họ tên, đóng dấu)                            


Mẫu hợp đồng thuê nhà 2019


Nguyễn Hương
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Mẫu biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường

Mẫu biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường

Mẫu biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường

Trong quá trình thu gom và xử lý, việc lập biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường đóng vai trò quan trọng, giúp ghi nhận đầy đủ thông tin về loại chất thải, khối lượng, đơn vị bàn giao và tiếp nhận. Bài viết dưới đây cung cấp mẫu biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm và hướng dẫn cách viết

Từ 14/02/2025, để tổ chức dạy thêm, giáo viên phải đăng kí kinh doanh, sau đó niêm yết trên cổng thông tin điện tử hoặc tại nơi dạy thêm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm cách viết mẫu đơn công khai thông tin về tuyển sinh các khóa học thêm để thực hiện niêm yết.

Mẫu báo cáo của giáo viên dạy thêm ngoài trường từ 14/02/2025

Mẫu báo cáo của giáo viên dạy thêm ngoài trường từ 14/02/2025

Mẫu báo cáo của giáo viên dạy thêm ngoài trường từ 14/02/2025

Từ ngày 14/02/2025, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm. Bài viết cung cấp mẫu báo cáo của giáo viên dạy thêm ngoài trường mới nhất.