1. Mẫu Đơn tự khai khi ly hôn và cách viết mới nhất 2025
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
BẢN TỰ KHAI
Kính gửi: Tòa án nhân dân…………………………………
Tên tôi là:……………………..sinh ngày ……/……/………
CCCD/Thẻ Căn cước số: ……..........................................
Địa chỉ thường trú: …………............................................
Chỗ ở hiện tại: ……………................................................
Điện thoại: ………………...............................................…
Là nguyên đơn/bị đơn trong vụ án Ly hôn với ông/bà…….......hiện đang được Tòa án nhân dân…………. thụ lý và giải quyết theo trình tự sơ thẩm.
Tôi xin trình bày nội dung sự việc như sau:
Về hôn nhân:………………………..................
Về con chung: ……………………....................
Về tài sản chung: ………………………………
Về nợ chung: ……………………………………
Kính đề nghị Quý Tòa xem xét và giải quyết.
Giấy tờ kèm theo:
– …………………………
– ………………….………
– ………………….………
…….., ngày… tháng … năm …….
Người khai
2. Hướng dẫn cách điền Đơn tự khai khi ly hôn chi tiết nhất
Mục “Kính gửi”: Điền thông tin của Tòa án nhân dân cấp huyện/tỉnh - nơi có thẩm quyền giải quyết ly hôn. Tùy vào đó là hình thức ly hôn đơn phương hoặc thuận tình để xác định cụ thể:
- Ly hôn thuận tình: Tòa án cấp huyện do hai vợ chồng thỏa thuận là Tòa án nơi thường trú hoặc tạm trú hoặc làm việc của vợ chồng hoặc của vợ hoặc của chồng.
- Ly hôn đơn phương: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị ly hôn cư trú (thường trú + tạm trú) hoặc làm việc.
Tuy nhiên, do việc tự khai thường được yêu cầu trong vụ án ly hôn đơn phương do đó, Tòa án ở đây là Tòa án có thẩm quyền giải quyết thủ tục ly hôn đơn phương.
Ví dụ: Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Mục “Tên tôi là”: Ở mục này, người viết bản tự khai điền đầy đủ thông tin nhân thân của mình gồm:
- Họ và tên
- Ngày tháng năm sinh
- Thông tin giấy tờ tùy thân như Căn cước công dân/thẻ Căn cước: Gồm số, nơi cấp, ngày cấp
- Địa chỉ thường trú, địa chỉ chỗ ở hiện tại (nếu chỗ ở hiện tại khác với địa chỉ thường trú)
- Số điện thoại liên hệ của người tự khai
Mục “Là nguyên đơn/bị đơn”…: Ở mục này, nếu người tự khai xác định tư cách của bản thân. Trong đó:
- Nguyên đơn: Là người khởi kiện hay chính là người yêu cầu ly hôn.
- Bị đơn: Là người bị yêu cầu ly hôn.
Mục “trình bày nội dung sự việc”: Tương tự như khi viết đơn ly hôn đơn phương, nội dung của sự việc ly hôn đơn phương trong bản tự khai khi ly hôn cũng đồng nhất với nội dung sự việc của đơn ly hôn đơn phương.
Tuy nhiên, khác so với đơn ly hôn đơn phương là bản tự khai khi ly hôn có thể bổ sung thêm một số nội dung yêu cầu mà ở đơn ly hôn trước đó chưa đề cập đến. Ví dụ yêu cầu về chia tài sản chung vợ chồng, giành quyền nuôi con…
Trong đó, một số nội dung chính đáng chú ý như sau:
- Về hôn nhân: Phải trình bày được nguyên nhân vợ chồng xảy ra mâu thuẫn và căn cứ chính xác xác định hai vợ chồng không thể chung sống với nhau, hậu quả ly hôn là tất yếu. Trong đó, các nguyên nhân có thể dẫn đến ly hôn đơn phương có thể là bạo lực gia đình, ngoại tình…
Lưu ý: Phần này càng trình bày cụ thể nguyên nhân khiến hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, cuộc sống vợ chồng không thể kéo dài được, mục đích của hôn nhân không đạt được thì càng tốt theo Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
- Về con chung: Nêu rõ hai vợ chồng có bao nhiêu con, sinh năm bao nhiêu và nguyện vọng của bản thân muốn nuôi tất cả/nuôi 01 trong số con hoặc không muốn nuôi con.
Đồng thời, khi người tự khai muốn nuôi con thì cũng trình bày cụ thể việc yêu cầu mức cấp dưỡng chi tiết muốn người kia cấp dưỡng hằng tháng/năm/quý…
- Về tài sản chung: Nếu hai vợ chồng có tài sản chung và muốn yêu cầu Tòa án phân chia thì cũng liệt kê cụ thể những tài sản chung này gồm: Giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản (quyền sử dụng đất, đăng ký xe, sổ tiết kiệm) cùng thông tin chi tiết được ghi trên Giấy chứng nhận.
Đồng thời, cũng nêu rõ yêu cầu muốn Tòa án giải quyết về việc phân chia tài sản chung của hai vợ chồng.
- Về nợ chung: Tương tự như tài sản chung, nợ chung cũng vậy, cần nêu rõ số nợ, nợ của ai…
Mục “Giấy tờ kèm theo”: Gồm giấy tờ về tài sản, giấy khai sinh của con, giấy đăng ký kết hôn, giấy tờ về nợ chung…
>> Để được tư vấn về hồ sơ, thủ tục ly hôn, độc giả hãy liên hệ ngay số điện thoại 0936385236 .
3. Khi nào vợ chồng phải làm bản tự khai nếu ly hôn?
Bản tự khai khi ly hôn không phải mẫu được quy định trong văn bản pháp luật. Thực tế, khi hai vợ chồng ly hôn, Thẩm phán phụ trách xử lý vụ án sẽ liên hệ và yêu cầu hai vợ chồng làm bản tự khai.
Trong đó, nêu rõ nội dung yêu cầu ly hôn, trình bày đầy đủ quan điểm, mong muốn của mình. Thông qua đó, Tòa án căn cứ vào bản tự khai để xác định các vấn đề vợ chồng mong muốn Tòa án giải quyết.
Trên đây là mẫu Đơn tự khai khi ly hôn của vợ chồng mới nhất kèm hướng dẫn chi tiết.