Mẫu báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở mới nhất

Ngày 07/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Trong đó, Nghị định cũng hướng dẫn chi tiết về mẫu báo cáo kiểm kê khí nhà kính.

1. Mẫu báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Theo điểm b khoản 4 Điều 11 Nghị định 06/2022/NĐ-CP, các cơ sở thuộc đối tượng thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi theo Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, cụ thể như sau:

TÊN CƠ SỞ PHẢI THỰC HIỆN

KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH

_______

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

BÁO CÁO

Kết quả kiểm kê khí nhà kính cho năm...

__________

I. Thông tin của cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính

1. Tên cơ sở, địa chỉ, giấy phép kinh doanh ...

2. Thông tin về người đại diện của cơ sở trước pháp luật.

3. Thông tin về lĩnh vực hoạt động kinh doanh, sản xuất.

II. Thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh và số liệu hoạt động của cơ sở

1. Ranh giới và phạm vi hoạt động của cơ sở.

2. Cơ sở hạ tầng, công nghệ và hoạt động của cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

3. Các nguồn phát thải, bể hấp thụ khí nhà kính trong phạm vi hoạt động của cơ sở.

4. Hệ thống thông tin, dữ liệu về phát thải khí nhà kính của cơ sở, xác định nguyên nhân các hạn chế trong kiểm kê khí nhà kính của cơ sở.

III. Kết quả thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính

1. Mô tả phương pháp kiểm kê phát thải khí nhà kính (phương pháp thu thập số liệu, hệ số phát thải).

2. Số liệu hoạt động liên quan đến phát thải khí nhà kính của cơ sở.

3. Kết quả kiểm kê khí nhà kính của cơ sở.

4. Độ tin cậy, tính đầy đủ, độ không chắc chắn của thông tin, số liệu về phát thải khí nhà kính và kết quả kiểm kê khí nhà kính của cơ sở.

ĐẠI DIỆN CỦA CƠ SỞ

Trong đó, Mẫu báo cáo kiểm kê khí nhà kính yêu cầu cung cấp những nội dung sau:

Thứ nhất là thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh và số liệu hoạt động

Thứ hai là kết quả thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính, bao gồm:

- Phương pháp kiểm kê phát thải khí nhà kính (phương pháp thu thập số liệu, hệ số phát thải).

- Số liệu hoạt động liên quan đến phát thải khí nhà kính.

-  Kết quả kiểm kê khí nhà kính.

- Độ tin cậy, tính đầy đủ, độ không chắc chắn của thông tin, số liệu về phát thải khí nhà kính và kết quả kiểm kê khí nhà kính.

Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 11 Nghị định 06/2022/NĐ-CP thì những nội dung trên sẽ được hướng dẫn khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực của cơ sở thực hiện khí nhà kính (Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng).

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại thì chỉ có Bộ Công Thương ban hành Thông tư 38/2023/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 11/02/2024 hướng dẫn các cơ sở thuộc ngành công thương thực hiện Báo cáo kiểm kê khí nhà kính tại Mục 2 Chương II.

Các Bộ còn lại là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn cho các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực mà mình quản lý.

Trong thời gian chờ đợi các Bộ này ban hành văn bản hướng dẫn, các cơ sở kinh doanh có thể tham khảo quy định tại Thông tư 38/2023/TT-BCT để chuẩn bị tốt nhất.

2. Các quy định về kiểm kê khí nhà kính cơ sở cần lưu ý

2.1. Đối tượng nào phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính?

Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 06/2022/NĐ-CP, các đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc các cơ sở thuộc một trong các trường hợp sau:

- Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên;

- Công ty kinh doanh vận tải hàng hoá có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;

- Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;

- Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính

2.2. Quy trình kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Các cơ sở thuộc đối tượng tại Khoản 2.1 nêu trên cần thực hiện việc kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở theo quy định chi tiết tại mục 2 Chương II Thông tư 17/2022/TT-BTNMT, cụ thể như sau:

Bước 1: Xác định ranh giới hoạt động của cơ sở và lựa chọn phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Theo Điều 15 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT, việc xác định ranh giới hoạt động của cơ sở cần được thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14064-1:2011, Phần 1: Quy định kỹ thuật và hướng dẫn để định lượng và báo cáo các phát thải và loại bỏ khí nhà kính ở cấp độ tổ chức.

Trong đó, gồm có các nội dung cụ thể bao gồm:

- Xác định các hoạt động phát thải khí nhà kính;

- Phân loại các nguồn phát thải khí nhà kính thành nguồn phát thải trực tiếp và nguồn phát thải gián tiếp.

Bước 2: Xác định phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Điều 16 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT quy định cơ sở cần căn cứ vào nguồn phát thải của cơ sở mình để xác định được phương pháp kiểm kê khí nhà kính phù hợp theo quy định tại Phụ lục II.1 ban hành kèm theo Thông tư 17/2022/TT-BTNMT.

Trong đó, các nguồn phát thải cần phân loại gồm có:

- Phát thải từ hoạt động vận tải;

- Phát thải từ phân loại - trạm trung chuyển - tái chế;

- Phát thải từ phân hủy kỵ khí;

- Phát thải từ ủ phân hữu cơ;

- Phát thải từ sản xuất nhiên liệu tái chế từ rác (RDF);

- Phát thải từ xử lý cơ học - sinh học;

- Phát thải từ chôn lấp chất thải;

- Phát thải từ xử lý nhiệt.

Bước 3: Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính cấp cơ sở

Theo Điều 17 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT, cơ sở lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính căn cứ theo quy định tại Quyết định 2626/QĐ-BTNMT năm 2022 về Danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính.

Bước 4: Lựa chọn và thu thập số liệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Điều 18 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT đã quy định số liệu hoạt động cho từng nguồn phát thải khí nhà kính phải được cơ sở lựa chọn và thu thập theo quy định tại Phụ lục II.2 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT.

Bước 5: Tính toán phát thải khí nhà kính cấp cơ sở

Việc tính toán phát thải khí nhà kính cấp cơ sở được căn cứ vào các phương pháp kiểm kê khí nhà kính đã lựa chọn.

Cơ sở cần dựa vào các biểu mẫu bao gồm các bảng tính về số liệu đầu vào, số liệu hoạt động, hệ số phát thải, lượng phát thải, hệ số làm nóng lên toàn cầu cho tất cả các hoạt động phát thải khí nhà kính của cơ sở để tính toán đưa ra kết quả kiểm kê khí nhà kính của cơ sở mình.

Bước 6: Kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Theo Điều 20 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT, quy trình kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14064-1:2011, Phần 1: Quy định kỹ thuật và hướng dẫn để định lượng và báo cáo các phát thải và loại bỏ khí nhà kính ở cấp độ cơ sở.

Theo đó, cơ sở thực hiểm việc kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính của cơ sở mình theo các bước:

  • Xác định và kiểm tra về trách nhiệm, quyền hạn của những người có trách nhiệm triển khai kiểm kê khí nhà kính.

  • Xác định, áp dụng và kiểm tra việc đào tạo tương ứng cho các thành viên thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

  • Xác định và kiểm tra các ranh giới hoạt động của cơ sở.

  • Xác định và kiểm tra các nguồn phát thải khí nhà kính.

  • Lựa chọn và kiểm tra các phương pháp luận định lượng, gồm cả các số liệu hoạt động khí nhà kính và các hệ số phát thải khí nhà kính.

  • Kiểm tra việc áp dụng các phương pháp kiểm kê khí nhà kính để đảm bảo sự nhất quán trong nhiều cơ sở.

  • Sử dụng, bảo dưỡng và kiểm định thiết bị đo.

  • Xây dựng và bảo trì hệ thống thu thập số liệu.

  • Định kỳ kiểm tra độ chính xác của các phương tiện đo.

  • Đánh giá nội bộ và tiến hành kiểm tra kỹ thuật định kỳ.

Bước 7: Đánh giá độ không chắc chắn của kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Độ không chắc chắn trong kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chất thải tại cơ sở đề cập đến sự thiếu chắc chắn trong số liệu liên quan đến phát thải do bất kỳ yếu tố nhân quả nào, chẳng hạn như việc áp dụng các yếu tố không đại diện hoặc các phương pháp số liệu không đầy đủ về nguồn và bồn chứa, thiếu minh bạch.

Căn cứ Điều 21 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT, cơ sở lưu ý cần thực hiện bước đánh giá độ không chắc chắn của kiểm kê khí nhà kính theo hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục II.3 ban hành kèm theo Thông tư 17/2022/TT-BTNMT.

Bước 8: Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Sau khi thực hiện các bước nêu trên, cơ sơ vẫn sẽ cần thực hiện tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính của cơ sở mình nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 22 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT như sau:

  • Có thay đổi về ranh giới hoạt động dẫn tới thay đổi về nguồn phát thải và số liệu hoạt động của cơ sở;

  • Có thay đổi về nguồn phát thải khí nhà kính do thay đổi quyền sở hữu, vận hành cơ sở;

  • Có sai sót trong sử dụng phương pháp tính toán lượng phát thải khí nhà kính và áp dụng hệ số phát thải;

  • Phát hiện sai sót trong thu thập, xử lý số liệu hoạt động của cơ sở dẫn tới kết quả tính toán lượng phát thải khí nhà kính thay đổi trên 10% so với kết quả do cơ sở đã báo cáo.

Lưu ý: Nội dung tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính của cơ sở phải được trình bày cụ thể trong báo cáo kiểm kê khí nhà kính của cơ sở trong kỳ báo cáo tiếp theo.

Bước 9: Xây dựng báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Cơ sở thực hiện việc xây dựng và gửi báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính của cơ sở mình theo quy trình quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Điều 23 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT, cụ thể như sau:

  • Xây dựng báo cáo:

- Biểu mẫu: Cơ sở xây dựng báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính theo mẫu hướng dẫn tại Phần 1 nêu trên.

- Tần suất thực hiện: Định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi.

  • Gửi thẩm định báo cáo:

- Cơ quan tiếp nhận: cơ quan thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Thời gian gửi: trước ngày 31/3 kể từ năm 2025.

  • Hoàn thiện và gửi báo cáo sau thẩm định

Sau khi có kết quả thẩm định báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ sở lưu ý cần hoàn thiện và gửi báo cáo sau thẩm định như sau:

- Cơ quan tiếp nhận: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Thời gian gửi: trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo bắt đầu từ năm 2025.

2.3 Trình tự, thủ tục, hồ sơ nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính

Căn cứ Điều 11 Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Điều 12 Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT thì trình tự, thủ tục nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính được thực hiện như sau:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ

Thành phần hồ sơ bao gồm:

- Bản chính Báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP;

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

- Các giấy tờ khác liên quan đến nội dung trong báo cáo (nếu có).

Bước 2. Nộp hồ sơ

Cơ sở nộp hồ sơ đã chuẩn bị cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để thẩm định

Bước 3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận và gửi hồ sơ đi thẩm định

Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện thẩm định các thông tin và kết quả kiểm kê khí nhà kính trong báo cáo.

Trong vòng 20 ngày làm việc, cơ quan thẩm định thông báo kết quả thẩm định,

- Nếu báo cáo kiểm kê khí nhà kính cần sửa đổi, bổ sung thì phải có nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung cho cơ sở. Sau đó cơ sở tiến hành hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu này.

- Nếu thông báo kết quả thẩm định không yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì cơ sở chuyển sang thực hiện Bước 4.

Bước 4. Nộp cho Báo cáo kiểm kê khí nhà kính 

Sau khi được thẩm định, cơ sở  Báo cáo kiểm kê khí nhà kính cho Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn quy định nêu trên.

Tóm lại, việc tuân thủ các hướng dẫn và quy định về lập và nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch, chính xác và hiệu quả trong quản lý môi trường.

Điều này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đối với cộng đồng và tương lai bền vững của hành tinh.

3. Thời gian nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính

Khoản 4 Điều 11 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định những đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm cứ định kỳ 02 năm 01 lần thực hiện những việc sau:

Thời gian

Nội dung thực hiện

Trước ngày 31/3 (kể từ 2023)

Cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính năm trước kỳ báo cáo

Trước ngày 31/3 (kể từ 2025)

Thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính (bắt đầu từ 2024 trở đi) gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thẩm định

Trước ngày 01/12 (bắt đầu từ 2025)

Hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính theo thông báo kết quả thẩm định và báo cáo kết quả kiểm kê và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trên đây là các quy định về việc báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục