Vợ sinh mổ chồng được nghỉ mấy ngày? Ngày nghỉ có được tiền trợ cấp?

“Vợ sinh mổ chồng được nghỉ mấy ngày?” là thắc mắc của rất nhiều ông chồng khi có vợ sinh con. Việc biết chính xác câu trả lời sẽ giúp người lao động nghỉ đúng thời gian quy định và sớm quay trở lại làm việc cho doanh nghiệp.


1. Vợ sinh mổ chồng được nghỉ mấy ngày để chăm sóc?

Theo khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, lao động nam có vợ sinh mổ được nghỉ số ngày như sau:

- Vợ sinh mổ với 01 con:

Số ngày nghỉ = 07 ngày làm việc.

- Vợ sinh mổ mà sinh đôi trở lên:

Số ngày nghỉ = 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ nói trên được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con. Thời gian 30 ngày này tính theo ngày bình thường, tức bao gồm cả ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần. Lao động nam có thể nghỉ trọn vẹn số ngày nghỉ trong một lần hoặc nghỉ thành nhiều lần.

Theo khoản 7 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, trường hợp lao động nam nghỉ nhiều lần thì phải đảm bảo 02 yêu cầu sau:

- Thời gian bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng vẫn trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

- Tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá số ngày quy định.

Đây là số ngày nghỉ theo diện nghỉ chế độ thai sản. Ngoài ra để nghỉ làm chăm vợ trong thời gian dài hơn, người lao động có thể chủ động xin nghỉ phép hoặc xin nghỉ không lương theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019.

Việc cho phép lao động nam nghỉ làm việc để chăm sóc vợ trong thời gian đầu sinh con là một quy định hết sức nhân văn, tạo điều kiện cho người lao động chăm sóc gia đình nhỏ của mình.

Vợ sinh mổ chồng được nghỉ mấy ngày?
Vợ sinh mổ chồng được nghỉ mấy ngày? (Ảnh minh họa)

2. Vợ sinh mổ chồng được hưởng chế độ gì?

Theo khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, khi vợ sinh mổ chồng sẽ có cơ hội hưởng nghỉ hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên không phải bất kì ông chồng nào có vợ sinh mổ cũng được hưởng chế độ này.

Căn cứ khoản 1 Điều 31 Luật BHXH năm 2014, lao động nam phải đáp ứng điều kiện là đang đóng BHXH bắt buộc mà có vợ sinh con phải phẫu thuật.

Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nam có vợ sinh mổ bao gồm:

- Trợ cấp thai sản:

Mức hưởng

=

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ do vợ sinh con

:

24

x

Số ngày nghỉ

- Tiền trợ cấp 1 lần khi vợ sinh con:

Trợ cấp 1 lần/con = 2 x Mức lương cơ sở

Lưu ý: Khoản tiền này chỉ dành cho các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, được sửa bởi Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH:

- Chỉ có chồng tham gia BHXH mà đã đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.

- Người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.

- Trường hợp cả vợ và chồng cùng tham BHXH nhưng vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con, trong đó, chồng phải đã đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.


3. Nghỉ việc do vợ sinh mổ có được trả lương?

Theo phân tích trên, nếu đang đóng BHXH bắt buộc mà có vợ sinh mổ thì người chồng sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản. Tiền chế độ thai sản tương ứng với thời gian nghỉ sẽ được cơ quan BHXH thanh toán cho người lao động.

Do đã hưởng trợ cấp từ cơ quan BHXH nên trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ không được nhận lương từ doanh nghiệp.

Bởi khoản 2 Điều 168 Bộ luật Lao động ghi nhận, trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ BHXH thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, nếu xin kéo dài ngày nghỉ để ở nhà chăm sóc vợ sinh mổ theo diện nghỉ phép năm thì người lao động vẫn được tính đủ lương theo hợp đồng lao động trong những ngày nghỉ thêm đó.

Nghỉ chăm vợ đẻ có được công ty trả lương?
Nghỉ chăm vợ đẻ có được công ty trả lương? (Ảnh minh họa)

4. Thủ tục hưởng chế độ thai sản cho chồng khi vợ sinh mổ

Theo Quyết định 166/QĐ-BHXH, để hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh mổ, người chồng cần tiến hành thủ tục như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.

Bao gồm:

- Bản sao Giấy chứng sinh hoặc Bản sao giấy khai sinh hoặc Trích lục khai sinh của con.

- Trường hợp sinh con phải phẫu thuật mà Giấy chứng sinh không thể hiện thì chuẩn bị thêm giấy tờ của cơ sở khám chữa bệnh thể hiện việc sinh con phải phẫu thuật.

Bước 2: Nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động.

Thời hạn nộp: Trong 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Người sử dụng lao động tiếp nhận giấy tờ từ người lao động, hoàn thiện hồ sơ và nộp cho cơ quan BHXH trong thời hạn 10 ngày.

Bước 3: Nhận tiền trợ cấp thai sản.

Thời hạn giải quyết: 06 ngày làm việc kể từ ngày người sử dụng lao động nộp đủ hồ sơ.

Hình thức thanh toán:

- Nhận tiền mặt tại doanh nghiệp.

- Nhận tiền chuyển khoản.

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “Vợ sinh mổ chồng được nghỉ mấy ngày?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn, hỗ trợ chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục