Trên nhiều trang báo điện tử và mạng xã hội những ngày đầu tháng 7 liên tiếp đưa tin “Từ 1/7, vợ sinh con chồng được hưởng trợ cấp và nghỉ thai sản”. Thông tin này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các cặp vợ chồng.
Có đúng từ 1/7, vợ sinh con chồng được hưởng trợ cấp và nghỉ thai sản?
Việc vợ sinh con, chồng được hưởng trợ cấp và nghỉ thai sản trước đây đã được quy định khá rõ ràng trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Cụ thể:
- Chồng được hưởng trợ cấp khi: Vợ không tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ có chồng tham gia bảo hiểm xã hội. Mức trợ cấp bằng 02 lần mức lương cơ sở (theo Điều 38).
- Chồng được nghỉ thai sản khi:
+ Vợ chết sau khi sinh con (khoản 4 Điều 34)
+ Chỉ có chồng tham gia bảo hiểm xã hội, vợ gặp rủi ro sau khi sinh con không đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền (theo khoản 6 Điều 34).
Như vậy, có thể thấy rằng, thông tin từ ngày 01/7/2019, vợ sinh con chồng được hưởng trợ cấp và nghỉ thai sản là không hoàn toàn chính xác. Thực chất, quy định này đã được áp dụng từ ngày 01/01/2016 - khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực.
Và cũng chỉ trong một số trường đặc biệt như nêu trên, vợ sinh con chồng mới được hưởng trợ cấp và nghỉ thai sản.
Từ 1/7, vợ sinh con chồng được hưởng trợ cấp và nghỉ thai sản là không chính xác (Ảnh minh họa)
Chế độ thai sản của chồng thay đổi thế nào từ ngày 1/7/2019?
Ngày 01/7/2019 có sự kiện tăng mức lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP.
Do đó, từ ngày này, mức trợ cấp một lần cho chồng trong trường hợp vợ sinh con nhưng chỉ có chồng tham gia bảo hiểm xã hội được tăng lên.
Theo Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, vợ không tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ có chồng tham gia bảo hiểm xã hội được trợ cấp một lần bằng 02 tháng lương cơ sở.
Từ ngày 01/7/2019, mức trợ cấp = 1,49 triệu đồng x 2 = 2,98 triệu đồng (tăng 200.000 đồng so với trước).
Tóm lại, để biết chính xác quy định của pháp luật về chế độ thai sản, bạn đọc nên tìm hiểu quy định cụ thể trong các văn bản liên quan, không nên chỉ căn cứ vào tiêu đề của các bài báo và thông tin không chính thống trên mạng xã hội để dẫn đến hiểu nhầm.