Trường hợp nào được đóng bù bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Nếu tích lũy đủ ít nhất 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động sẽ có cơ hội được nhận lương hưu khi về già. Vậy nếu quá trình tham gia có thời gian gián đoạn thì người lao động có được đóng bù BHXH tự nguyện cho thời gian đó không?


Được đóng bù BHXH tự nguyện trong trường hợp nào?

Căn cứ Điều 9 và Điều 12 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, người lao động sẽ được đóng bù BHXH tự nguyện trong 02 trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Đóng bù BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu khi đã đủ tuổi nghỉ hưu.

Điểm e khoản 1 Điều 9 Nghị định 134 quy định:

e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Theo đó, để được đóng bù BHXH tự nguyện trong trường hợp này, người lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

1 - Đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

2 - Thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 10 năm (120 tháng).

Lúc này, người lao động sẽ được đóng bù để tích lũy đủ 20 năm BHXH và được giải quyết hưởng lưu hưu hằng tháng.

Trường hợp 2: Đóng bù cho thời gian đã tham gia BHXH tự nguyện gián đoạn.

Khoản 3 Điều 12 Nghị định 134 quy định về trường hợp này như sau:

3. Quá thời điểm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không đóng bảo hiểm xã hội thì được coi là tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Người đang tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, nếu tiếp tục đóng thì phải đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trường hợp có nguyện vọng đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó thì số tiền đóng bù được tính bằng tổng mức đóng của các tháng chậm đóng, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Theo đó, nếu đang đóng BHXH tự nguyện mà có thời gian gián đoạn do không đóng BHXH đúng hạn thì người lao động sẽ được đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó.

Việc đóng bù sẽ giúp người lao động nhanh chóng tích lũy đủ ít nhất 20 năm tham gia BHXH để hưởng lương hưu khi đủ tuổi.


Mức đóng bù BHXH tự nguyện là bao nhiêu tiền?

Căn cứ Điều 9 và Điều 11 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH, mức đóng bù BHXH sẽ được tính như sau:

Mức đóng bù BHXH tự nguyện

=

Tổng mức đóng của các tháng còn thiếu/gián đoạn

x

(1 + r)i

Trong đó:

- Tổng mức đóng của các tháng còn thiếu/gián đoạn được xác định như sau:

Tổng mức đóng của các tháng còn thiếu/gián đoạn

=

22%

x

Mức thu nhập chọn đóng BHXH tự nguyện

x

Số tháng

- r: Lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng được công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

- i: Số tháng chậm đóng/gián đoạn.

Ví dụ: Ông A tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 3/2021 với mức thu nhập chọn đóng là 05 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên ông A chỉ tham gia đến hết tháng 9/2021 thì dừng không đóng. Đến tháng 02/2022, ông A tới cơ quan BHXH để đăng ký tiếp tục tham gia BHXH và đề nghị đóng bù cho quãng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022 (4 tháng).

Căn cứ Thông báo 89/TB-BHXH ngày 13/01/2022 của BHXH Việt Nam, mức lãi suất từ quỹ đầu tư từ quỹ BHXH năm 2021 là 4,39%/năm, tương đương 0,3658%/tháng.

Theo đó, số tiền mà ông A cần đóng bù sẽ được tính như sau:

- Tổng mức đóng của các tháng bị gián đoạn = 22% x 05 triệu đồng x 4 tháng = 4,4 triệu đồng.

- Mức đóng bù BHXH tự nguyện = 4.400.000 đồng x (1 + 0,3658%)4 = 4.464.735 đồng.

Trên đây là thông tin về các trường hợp đóng bù bảo hiểm xã hội tự nguyện cùng mức đóng cụ thể. Để tìm hiểu thêm về việc tham gia BHXH tự nguyện, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được tư vấn chi tiết.

>> Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Tất cả thông tin cần biết
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?