Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Theo quy định tại Điều 11 Luật BHYT 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2024 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế. Vậy trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Theo quy định, sau khi đăng ký tham gia các loại bảo hiểm cho người lao động, các doanh nghiệp có trách nhiệm trích nộp các loại tiền BHXH, BHYT, BHTN để đóng cho cơ quan bảo hiểm.

Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024 đã bổ sung Điều 48a và Điều 48b vào sau Điều 48 Luật Bảo hiểm y tế 2008, theo đó quy định về hành vi chậm đóng bảo hiểm y tế.

Cụ thể, chậm đóng bảo hiểm y tế là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

-  Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng bảo hiểm y tế kể từ sau ngày đóng bảo hiểm y tế chậm nhất.

- Không lập danh sách hoặc lập danh sách không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm y tế trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định;

-  Thuộc trường hợp không bị coi là trốn đóng bảo hiểm y tế.

Luật sửa đổi cũng đã bổ sung về hành vi trốn đóng bảo hiểm y tế tại Điều 48b:

Theo đó, trốn đóng bảo hiểm y tế là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định mà người sử dụng lao động không lập danh sách hoặc lập danh sách không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm y tế;

- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế thấp hơn tiền lương quy định.

- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm y tế sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế chậm nhất và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định của Chính phủ;

-  Các trường hợp khác bị coi là trốn đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Chính phủ.

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025
Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT? (Ảnh minh họa)

Xử lý hành vi chậm đóng và trốn đóng BHYT như thế nào?

Về xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế, khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung Điều 49 Luật hiện hành như sau:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Biện pháp xử lý hành vi chậm đóng bảo hiểm y tế bao gồm:

  • Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm y tế chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ bảo hiểm y tế;
  • Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
  • Không xem xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

- Biện pháp xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm y tế bao gồm:

  • Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm y tế trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ bảo hiểm y tế;
  • Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;
  • Không xem xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế cho người lao động phải hoàn trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế do chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế.

Đối với hành vi trốn đóng BHYT, theo quy định tại  Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại thì pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tại Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.Theo đó:

* Đối với cá nhân phạm tội có thể bị phạt từ 50 triệu đồng đến 01 tỷ đồng, tùy mức độ, số lượng người lao động vi phạm.

- Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

* Đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Pháp nhân thương mại phạm Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì bị phạt từ 200 triệu – 02 tỷ đồng tùy mức độ vi phạm.

Trên đây là thông tin về việc Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

6 điểm mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2025

6 điểm mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2025

6 điểm mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2025

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BYT. Theo đó, Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2024 với nhiều quy định liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người bệnh, đặc biệt là những người mắc các bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo từ 01/01/2025.