Sổ bảo hiểm xã hội là một trong những tài sản có giá trị của người lao động. Bên cạnh việc cấp mới, trong một số trường hợp, pháp luật còn tạo điều kiện để người lao động được cấp lại sổ.
Trường hợp được cấp lại sổ bảo hiểm xã hội
Khoản 2 Điều 46 Quyết định 595 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu rõ 03 trường hợp người tham gia BHXH được cấp lại sổ như sau:
Cấp lại sổ (bìa và tờ rời)
- Mất sổ;
- Hỏng sổ;
- Gộp sổ;
- Thay đổi số sổ;
- Thay đổi họ, tên, chữ đệm;
- Thay đổi ngày, tháng, năm sinh;
- Khi người đã hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần còn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng.
Cấp lại bìa sổ
- Sai giới tính;
- Sai quốc tịch.
Cấp lại tờ rời sổ
- Mất sổ;
- Hỏng sổ.
Xem thêm: Các trường hợp không phải cấp lại sổ BHXH
Thủ tục cấp lại sổ BHXH
Nội dung này được quy định chi tiết tại Điều 27 và Điều 29 Quyết định 595. Cụ thể:
Về hồ sơ
Tùy từng trường hợp mà hồ sơ đề nghị cấp lại sổ sẽ có sự khác nhau.
* Cấp lại sổ do mất, hỏng:
Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS)
* Cấp lại sổ do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ:
- Người tham gia:
+ Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS);
+ Hồ sơ kèm theo: Quyết định (văn bản) chứng minh địa điểm làm việc; giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh cấp theo quy định; chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu…
- Đơn vị sử dụng lao động:
Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
Về thời gian giải quyết
Người lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH hoặc nộp thông qua đơn vị nơi đang làm việc và thời gian giải quyết không quá:
- 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trong trường hợp điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ.
- 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trong trường hợp cấp lại sổ do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; mất, hỏng sổ; cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH hoặc gộp sổ BHXH.
- 45 ngày trong trường hợp cần xác minh quá trình đóng BHXH ở tỉnh khác hoặc ở nhiều đơn vị nơi người lao động có thời gian làm việc.
Khi nào được cấp lại sổ BHXH? (Ảnh minh họa)
Cấp lại sổ có ảnh hưởng đến quyền lợi?
Theo Quyết định số 1035/QĐ-BHXH, sổ bảo hiểm xã hội khi được cấp lại sẽ khác sổ được cấp lần đầu ở một vài điểm:
- Nội dung in trên bìa sổ (trang 1):
Dưới dòng ghi “số sổ” thì có ghi thêm dòng chữ “Cấp lần …” bằng chữ in thường, cỡ chữ 16, kiểu chữ đứng, đậm.
Nếu cấp lại lần thứ 1, thì ghi “Cấp lần 2”; cấp lại lần thứ 2, thì ghi “Cấp lần 3”.
Riêng sổ bảo hiểm xã hội cấp lại do thay đổi họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch hoặc thay đổi số sổ thì trên sổ cấp lại sẽ in theo nội dung thay đổi.
- Nội dung in trong tờ rời sổ:
+ Nếu đang tham gia mà cấp lại sổ, dưới phần ghi quá trình đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp: in dòng lũy kế thời gian đóng quỹ hưu trí, tử tuất, bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trên trang tờ rời cuối cùng.
+ Nếu đã hưởng BHXH 1 lần cấp lại sổ bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, dưới phần ghi quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp: in dòng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trên trang tờ rời cuối cùng.
Với những quy định này, có thể thấy, việc in lại, cấp lại sổ BHXH chỉ với mục đích xác nhận lại những thông tin đăng ký ban đầu cũng như quá trình đóng, hưởng tính đến thời điểm hiện tại.
Thêm vào đó, hiện nay, việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm của người lao động đều được theo dõi trên hệ thống của cơ quan BHXH.
Do đó, việc cấp lại sổ bảo hiểm xã hội không làm ảnh hưởng tới bất cứ quyền lợi nào của những người tham gia.
>> Quyết định 595: 7 lưu ý cho người tham gia bảo hiểm
Thùy Linh