- 1. Có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc
- 2. Bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng cơ sở KCB cấp chuyên sâu
- 4. Thay đổi mức hưởng bảo hiểm y tế
- 4. Sửa đổi hình thức xử lý khi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế
- 5. Sửa đổi, bổ sung phương thức đóng BHYT
- 6. Bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở KCB
- 7. Khám chữa bệnh tại nhà cũng được hưởng BHYT
1. Có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc
Theo đó tại khoản 10 Điều 1 của sửa đổi, bổ sung Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi năm 2014 như sau:
Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên; ….
Quy định hiện hành tại Luật Bảo hiểm y tế 2008, số 25/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, số 46/2014/QH13 thì một trong những nhóm tham gia BHYT do người lao động và người sử dụng lao động đóng gồm:
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức…
Bên cạnh đó, điều luật này cũng đã sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia, bổ sung thêm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc như:
- Nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản;
- Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
- Người từ đủ 75 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;
- ...
2. Bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng cơ sở KCB cấp chuyên sâu
Tại khoản 14 Điều 1 của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024 đã bổ sung thêm khoản 4 vào sau Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế hiện hành như sau:
4. Người tham gia bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, không đúng quy định về chuyển người bệnh quy định tại Điều 26 và Điều 27 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều này, được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo tỷ lệ phần trăm của mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này như sau:
a) 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;
Có nghĩa, người bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chẩn đoán xác định mắc một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng quy định mà khi vượt lên tuyến trên mà không cần phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 17 Điều 1 Luật còn quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành.
Theo đó, người tham gia BHYT được hưởng:
- 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc;
- 100% mức hưởng khi đi khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc;
- 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 01/01/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến huyện.
4. Thay đổi mức hưởng bảo hiểm y tế
Khoản 17 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung Điều 22 về mức hưởng bảo hiểm y tế như sau:
Người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 của Luật này được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc như:
- Sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp đang tại ngũ; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân đang tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong công an nhân dân; học viên quân đội, học viên công an, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí là người Việt Nam;
- Học viên quân đội, học viên công an, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí là người nước ngoài...
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định;
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, bao gồm:
- Trạm y tế; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; trạm y tế quân - dân y, phòng khám quân - dân y; trung tâm y tế cấp huyện có hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là phòng khám;
- Y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu trong quân đội, công an do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định. 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại phòng khám đa khoa khu vực;
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm của những lần đi khám bệnh, chữa bệnh lớn hơn 6 lần mức tham chiếu;
- 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng như người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; Thân nhân của người có công với cách mạng, vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng khác hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;Người thuộc hộ gia đình cận nghèo...
- 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng khác
4. Sửa đổi hình thức xử lý khi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế
Theo đó khoản 34 Điều 1 Luật đã sửa đổi bổ sung điểm a khoản 3 Điều 49 Luật hiện hành như sau:
Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau
- Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng;
- Nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm y tế chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm y tế;
- Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm y tế;
- Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Hiện hành:
Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ bảo hiểm y tế;
5. Sửa đổi, bổ sung phương thức đóng BHYT
Khoản 13 Điều 1 Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 Luật 2008 như sau:
Đối với các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo sản phẩm, theo khoán thì đóng theo phương thức đóng hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
Hiện hành:
Đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không trả lương theo tháng thì định kỳ 03 tháng hoặc 06 tháng một lần, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế.
Đồng thời, điều luật này cũng bổ sung khoản 8 về thời hạn đóng bảo hiểm y tế chậm nhất đối với người sử dụng lao động được quy định như sau:
- Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng;
- Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần hoặc 06 tháng một lần.
6. Bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở KCB
Khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi đã bổ sung các khoản 4, 5 vào Điều 31 về thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT như sau:
* Về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong trường hợp đáp ứng các điều kiện sau:
- Tại thời điểm người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc, thiết bị y tế nhưng không có sẵn và không thể thay thế bằng thuốc, thiết bị y tế khác;
- Không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện hình thức mua sắm đấu thầu theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật đấu thầu (gói thầu hoặc nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng) nhưng không mua được thuốc, thiết bị y tế.
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi nhận theo giá thanh toán bảo hiểm y tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi chuyển thuốc, thiết bị y tế.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhận thuốc, thiết bị y tế có trách nhiệm thanh toán chi phí cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển thuốc, thiết bị y tế, sau đó tổng hợp vào chi phí khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh để thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội.
* Thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở tiếp nhận được cấp có thẩm quyền phê duyệt đủ điều kiện thực hiện dịch vụ cận lâm sàng trong trường hợp tại thời điểm người bệnh được chỉ định sử dụng dịch vụ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ điều kiện thực hiện được.
7. Khám chữa bệnh tại nhà cũng được hưởng BHYT
Khoản 16 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, đã sửa đổi bổ sung Điều 21 Luật hiện hành như sau:
Người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán các chi phí sau đây:
- Khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con;
- Vận chuyển người bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, h, i, o và r khoản 3 Điều 12 của Luật này trong trường hợp đang điều trị nội trú hoặc cấp cứu phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 27 của Luật này;
- Chi phí cho sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, thiết bị y tế, máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, dụng cụ, công cụ, hóa chất sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Trên đây là tổng hợp 5+ điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế.