Từ 1/7/2019, người tham gia BHYT được hưởng thêm quyền lợi

Việc tăng lương cơ sở theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP không chỉ là niềm vui của riêng cán bộ, công chức, viên chức mà còn là niềm động viên to lớn cho những ai tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

Tăng mức thanh toán trực tiếp khám, chữa bệnh BHYT

Từ ngày 01/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng, cao hơn 100.000 đồng so với trước đây.

Trên cơ sở này, số tiền thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh (KCB) cũng tăng lên đáng kể. Cụ thể:

* KCB tại cơ sở không ký hợp đồng KCB BHYT (trừ trường hợp cấp cứu):

- Cơ sở tuyến huyện và tương đương:

+ KCB ngoại trú: tối đa không quá 2,235 triệu đồng (hiện tại 2,085 triệu đồng)

+ KCB nội trú: tối đa không quá 745.000 đồng (hiện tại 695.000 đồng)

- Cơ sở tuyến tỉnh và tương đương:

Tối đa không quá 1,49 triệu đồng tại thời điểm ra viện nếu KCB nội trú (hiện tại 1,39 triệu đồng)

- Cơ sở tuyến trung ương và tương đương:

Tối đa không quá 3,725 triệu đồng tại thời điểm ra viện nếu KCB nội trú (hiện tại 3,475 triệu đồng).

- KCB tại nơi đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT không đúng quy định (thẻ BHYT không có ảnh hoặc không có giấy tờ chứng minh nhân thân):

+ KCB ngoại trú: tối đa không quá 223.500 đồng (hiện tại 208.500 đồng)

+ KCB nội trú: tối đa không quá 745.000 đồng (hiện tại 695.000 đồng).

Người tham gia BHYT hưởng thêm quyền lợi từ ngày 1/7/2019 (Ảnh minh họa)


* Chi phí cùng chi trả của những lần KCB đúng tuyến trong năm (kể từ ngày tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục) vượt quá 6 tháng lương cơ sở nhưng chưa được hưởng ngay tại cơ sở KCB:

- Thanh toán chi phí thực tế vượt quá 8,94 triệu đồng (hiện tại 8,34 triệu đồng)

- Cấp giấy xác nhận không cùng chi trả trong năm cho người bệnh.

(theo Công văn 141/BHXH-CSYT và Điều 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP)

Bên cạnh đó, với mức lương cơ sở từ 01/7/2019, ngoài các đối tượng thuộc diện thanh toán 100% chi phí KCB thì những ai thuộc các trường hợp dưới đây cũng được hưởng BHYT với mức 100%:

- KCB một lần ít hơn 223.500 đồng (hiện tại 208.500 đồng);

- Tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả trong năm nhiều hơn 8,94 triệu đồng (hiện tại 8,34 triệu đồng).

(theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP)

Cách nhận tiền thanh toán trực tiếp khám, chữa bệnh BHYT

Có thể thấy, mức thanh toán trực tiếp chi phí KCB nêu trên không phải là con số nhỏ đối với người bệnh. Do vậy, để hưởng tối đa số tiền này, người bệnh cần chuẩn bị đủ hồ sơ theo Điều 28 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, cụ thể gồm các giấy tờ sau:

- Thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng minh nhân thân;

- Giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần KCB đề nghị thanh toán;

(Các giấy tờ trên là bản chụp kèm theo bản gốc để đối chiếu)

- Hóa đơn và các chứng từ có liên quan;

- Giấy ủy quyền hoặc giấy xác nhận đại diện hợp pháp cho người bệnh với người thanh toán hộ.

Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ nêu trên, người bệnh hoặc thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú để được giải quyết.

Để cập nhật các thông tin mới nhất về bảo hiểm y tế, độc giả có thể theo dõi tại đây.

Thùy Linh

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?