Thủ tục mua bảo hiểm y tế cho người nước ngoài

Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là cách tốt nhất để chăm sóc sức khỏe của mỗi cá nhân. Với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam thì cách thức tham gia thế nào?

Người nước ngoài bình đẳng trong việc tham gia BHYT

Khoản 2 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 nêu rõ:

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến bảo hiểm y tế.

Như vậy, có thể thấy, pháp luật bảo hiểm y tế không có bất cứ sự phân biệt nào giữa lao động Việt Nam với lao động nước ngoài.

Điều này đồng nghĩa với việc, người nước ngoài hoàn toàn bình đẳng trong việc tham gia BHYT, thậm chí có thể tham gia với hình thức BHYT bắt buộc.

Cách thức tham gia BHYT cho người nước ngoài

Theo quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014, hiện nay, có 05 nhóm đối tượng tham gia BHYT:

- Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng;

- Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

- Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng;

- Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng;

- Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Do đó, tùy thuộc vào việc người nước ngoài thuộc đối tượng nào thì sẽ tham gia BHYT theo diện bắt buộc hoặc tự nguyện.

Thủ tục mua bảo hiểm y tế cho người nước ngoài

Thủ tục mua bảo hiểm y tế cho người nước ngoài (Ảnh minh họa)

Tham gia BHYT bắt buộc

Hầu hết những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam hiện nay đều thuộc nhóm do người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng. Bởi lẽ đây đều là những người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên.

Về hồ sơ:

Theo khoản 1 Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH, người nước ngoài sẽ tham gia BHYT tại chính đơn vị nơi đang làm việc và chỉ cần điền đầy đủ các thông tin cá nhân vào Tờ khai tham gia BHYT (Mẫu TK1-TS) nộp cho người sử dụng lao động.

Về mức đóng:

Tương tự như lao động Việt Nam, người nước ngoài khi tham gia BHYT bắt buộc hàng tháng phải đóng với mức đóng bằng 4,5% tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động (khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP).

Xem thêm: Mức đóng bảo hiểm y tế mới nhất hiện nay

Tham gia BHYT tự nguyện

Hiện nay, chỉ có duy nhất một cách để người nước ngoài tham gia BHYT tự nguyện, đó là tham gia theo hình thức BHYT hộ gia đình, với những người có tên trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, trừ những người đã tham gia BHYT bắt buộc; hoặc là chức sắc, chức việc, nhà tu hành…

Đồng thời, để tham gia, những người này có thể mua tại cơ quan bảo hiểm xã hội xã/phường/thị trấn nơi cư trú hoặc đại lý thu bảo hiểm xã hội địa phương.

Về hồ sơ:

Theo Công văn 3170/BHXH-BT, người nước ngoài phải có đủ các giấy tờ dưới đây:

- Tờ khai tham gia BHYT (Mẫu TK1-TS);

- Danh sách hộ gia đình tham gia BHYT (Mẫu DK01) nhận từ Trưởng thôn, xóm, khu phố, ấp, bản;

- Bản sao sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;

- Bản chính hoặc bản chụp thẻ BHYT của các thành viên khác trong hộ khẩu đã có thẻ để xác định giảm trừ mức đóng.

Về mức đóng:

Cũng tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng BHYT của người tham gia BHYT theo hộ gia đình như sau:

- Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;

- Người thứ hai, ba, tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;

- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Cụ thể, từ 01/7/2019:

Người thứ 1 đóng 67.050 đồng/tháng;

Người thứ 2 đóng 46.935 đồng/tháng;

Người thứ 3 đóng 40.230 đồng/tháng;

Người thứ 4 đóng 33.525 đồng/tháng;

Từ người 5 trở đi đóng 26.820 đồng/tháng.

Xem chi tiết tại: Hướng dẫn mua bảo hiểm y tế tự nguyện 2019

Trên đây là những hướng dẫn của LuatVietnam về thủ tục mua bảo hiểm y tế cho người nước ngoài tại Việt Nam.

Nếu cá nhân lao động tự do hoặc hộ gia đình người nước ngoài mới chuyển đến Việt Nam và chưa tham gia lao động thì vẫn có thể đảm bảo sức khỏe cho mình bằng việc mua BHYT tự nguyện với mức phí hợp lý cùng quy trình thực hiện dễ dàng.

>> Bảo hiểm y tế 2019: Hướng dẫn mua và các quyền lợi

Thùy Linh

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục