Hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ thai sản mới nhất

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản gồm những gì và làm thế nào để hưởng chế độ này khi đủ điều kiện? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin chi tiết nhất về vấn đề này.


1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản gồm những giấy tờ gì?

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản thông thường sẽ do người lao động và người sử dụng lao đông cùng chuẩn bị. Trường hợp người lao động đã nghỉ việc mà muốn hưởng chế độ thai sản thì tự mình chuẩn bị hồ sơ và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH).

Căn cứ Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 và Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, riêng phía người lao động cần chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ hưởng chế độ thai sản như sau:

1.1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ

Tùy trường hợp hưởng chế độ thai sản mà lao động nữ cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

* Lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; thực hiện biện pháp tránh thai:

- Trường hợp điều trị nội trú:

+ Bản sao giấy ra viện;

+ Trường hợp chuyển tuyến khám, chữa bệnh trong quá trình điều trị: Có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.

- Trường hợp điều trị ngoại trú:

+ Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH;

+ Hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

* Lao động nữ sinh con:

- Trường hợp thông thường:

+ Bản sao giấy khai sinh;

+ Hoặc trích lục khai sinh;

+ Hoặc bản sao giấy chứng sinh.

- Trường hợp con chết sau khi sinh:

Ngoài hồ sơ nêu trên còn có:

+ Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao Giấy báo tử của con;

+ Trường hợp con chưa được cấp giấy chứng sinh: Sử dụng trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

- Trường hợp người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ chết sau khi sinh con:

Ngoài hồ sơ của trường hợp thông thường, có thêm:

+ Bản sao giấy chứng tử;

+ Hoặc trích lục khai tử của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ.

- Trường hợp người mẹ sau khi sinh hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con:

Có thêm biên bản giám định y khoa của người mẹ, người mẹ nhờ mang thai hộ.

- Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai:

Có thêm một trong các giấy tờ sau:

+ Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.

+ Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.

+ Trường hợp phải giám định y khoa: Biên bản giám định y khoa.

- Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con:

Có thêm các giấy tờ:

+ Bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;

+ Văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.

* Lao động nữ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng:

Hồ sơ gồm bản sao giấy chứng nhận nuôi con nuôi. 


1.2. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam

* Lao động nam thực hiện biện pháp triệt sản:

Hồ sơ gồm:

- Trường hợp điều trị nội trú:

+ Bản sao giấy ra viện;

+ Trường hợp chuyển tuyến khám, chữa bệnh trong quá trình điều trị: Có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.

- Trường hợp điều trị ngoại trú:

+ Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH;

+ Hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

* Lao động nam hoặc người chồng của lao động nữ mang thai hộ nghỉ việc khi vợ sinh con:

Hồ sơ gồm:

+ Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con;

+ Trường hợp sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi mà giấy chứng sinh không thể hiện: Có thêm giấy tờ của cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện nội dung này.

+ Trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh: Sử dụng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

* Lao động nam hoặc người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con:

+ Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con.

+ Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh: Sử dụng trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc bản sao giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

Lưu ý:

- Hồ sơ hưởng chế độ thai sản của người lao động đang đóng BHXH còn cần có Bản chính danh sách đề nghị hưởng chế độ thai sản (Mẫu 01B-HSB) do doanh nghiệp chuẩn bị.

- Người lao động đã nghỉ việc đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản chỉ cần chuẩn bị các giấy tờ đã nêu ở trên.


2. Nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản ở đâu?

Liên quan đến việc giải quyết hưởng chế độ thai sản, Điều 102 Luật BHXH năm 2014 đã quy định rõ:

1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Theo đó, để được giải quyết hưởng thai sản, người lao động phải nộp hồ sơ cho:

+ Doanh nghiệp nơi người lao động đang làm việc.

+ Cơ quan BHXH: Nếu người lao động đã nghỉ việc. 


3. Thủ tục hưởng chế độ thai sản được thực hiện thế nào?

Cũng theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 và Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, thủ tục hưởng chế độ thai sản của người lao động sẽ được thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ.

* Người lao động đang đóng BHXH: Nộp cho doanh nghiệp.

Thời hạn nộp: Không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ và nộp cho cơ quan BHXH trong 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ từ người lao động.

* Người lao động đã nghỉ việc: Nộp trực tiếp cho cơ quan BHXH và xuất trình sổ BHXH nơi cư trú.

Bước 2: Nhận kết quả giải quyết chế độ thai sản.

- Thời hạn giải quyết:

+ Tối đa 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ doanh nghiệp.

+ Tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động.

- Doanh nghiệp nhận tiền trợ cấp cơ quan BHXH chuyển qua tài khoản của đơn vị để chi trả cho người đăng ký nhận bằng tiền mặt tại doanh nghiệp.

- Người lao động có thể nhận tiền thai sản bằng một trong các hình thức sau:

+ Thông qua doanh nghiệp nơi mình đang làm việc.

+ Thông qua tài khoản cá nhân.

+ Trực tiếp nhận tại cơ quan BHXH nếu doanh nghiệp đã chuyển lại kinh phí cho cơ quan BHXH và trong trường hợp thôi việc trước khi sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi mà không có tài khoản cá nhân;

+ Nhận qua người được ủy quyền hợp pháp để thực thủ tục hưởng chế độ thai sản.

Trên đây là hồ sở hưởng chế độ thai sản mới nhất và thủ tục thực hiện. Người lao động nên lưu ý để hưởng trọn sự hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm xã hội. Nếu có vướng mắc trong quá trình thực hiện, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ sớm nhất.

>> Hướng dẫn cách tính tiền thai sản chi tiết nhất

>> Chế độ thai sản: Quyền lợi cần biết khi sinh con 

>> Chế độ thai sản thay đổi như thế nào từ ngày 01/9/2021?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(3 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?