Thủ tục hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp mới nhất

Tiếp nối những thông tin liên quan đến bệnh nghề nghiệp, bài viết này, LuatVietnam gửi tới độc giả thủ tục hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp đơn giản và nhanh gọn nhất.

Thủ tục hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp với người đang làm việc

Để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, theo quy định tại Điều 59 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động phải thực hiện theo trình tự sau:

1. Chuẩn bị hồ sơ

Khoản 1 Điều 6 Quyết định 166/QĐ-BHXH quy định hồ sơ đề nghị hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp gồm:

  • Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động;
  • Bản sao giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án nếu điều trị nội trú;
  • Giấy khám bệnh nghề nghiệp nếu không điều trị nội trú;
  • Chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt (nếu có);
  • Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp;
  • Hóa đơn, chứng từ thu phí giám định, bảng kê các nội dung giám định nếu thanh toán phí giám định y khoa.

Xem chi tiết hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp tại đây.

2. Nộp hồ sơ

Sau khi có đủ các giấy tờ nêu trên, người lao động nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

3. Giải quyết hồ sơ

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Trường hợp không giải quyết sẽ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Làm thế nào để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp nhanh nhất? (Ảnh minh họa)

Thủ tục hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp với người đã thôi việc

Khác với người lao động đang làm việc mắc bệnh nghề nghiệp, đối với người lao động đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp, Điều 10 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH quy định trình tự hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Gửi hồ sơ sức khỏe cá nhân đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp

- Đối với người lao động đã nghỉ hưu, thôi việc:

Người lao động gửi hồ sơ sức khỏe cá nhân đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp để khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Sau khi có kết quả khám phát hiện bệnh nghề nghiệp thì cơ sở khám bệnh nghề nghiệp sẽ hoàn thiện hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

- Đối với người lao động chuyển làm việc khác:

Người lao động gửi hồ sơ sức khỏe cá nhân đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp để khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Sau khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp thì người lao động hoặc người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc lập hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp trên cơ sở hồ sơ quản lý sức khỏe của người lao động.

2. Đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động

Sau khi hoàn thiện hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp, người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động hoặc đề nghị đơn vị nơi người lao động đã từng làm việc hoặc đang làm việc giới thiệu.

3. Nộp hồ sơ tới cơ quan bảo hiểm xã hội

Sau khi có kết quả giám định mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, người lao động nộp hồ sơ tới cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố để được giải quyết.

Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 37/2016/NĐ-CP, hồ sơ gồm:

  • Sổ bảo hiểm xã hội đối với người lao động đang làm việc hoặc bản sao quyết định hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động đã nghỉ hưu;
  • Hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp;
  • Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;
  • Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.

Lưu ý: Thời điểm hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

Trên đây là chi tiết thủ tục hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp. Tùy theo hoàn cảnh của mình, người lao động chuẩn bị hồ sơ và thực hiện theo đúng thủ tục để được giải quyết chế độ một cách nhanh nhất.

>> Mức hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp mới nhất hiện nay


Thùy Linh
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?