Hồ sơ, địa điểm đổi thẻ bảo hiểm y tế là thắc mắc của không ít người tham gia bảo hiểm y tế. Vậy, trường hợp nào được đổi thẻ và thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế hiện nay như thế nào?
Hồ sơ đổi thẻ bảo hiểm y tế
Theo quy định tại Điều 19 Luật Bảo hiểm y tế 2008, các trường hợp sau đây được đổi thẻ bảo hiểm y tế:
- Rách, nát hoặc hỏng.
- Thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.
- Thông tin ghi trong thẻ không đúng.
Căn cứ khoản 4 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH, hồ sơ đổi thẻ bảo hiểm y tế với người lao động và đơn vị sử dụng lao động, cụ thể như sau:
Với người tham gia bảo hiểm y tế
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
- Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn, bổ sung giấy tờ chứng minh (nếu có).
Với đơn vị sử dụng lao động
Đơn vị sử dụng lao động chuẩn bị bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Hướng dẫn thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế mới nhất hiện nay (Ảnh minh họa)
Trình tự, thủ tự thực hiện đổi thẻ bảo hiểm y tế
Người tham gia bảo hiểm y tế khi có nhu cầu đổi thẻ có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc nộp tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội
Sau khi chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo hướng dẫn trên, người có nhu cầu đổi thẻ bảo hiểm y tế nộp hồ sơ tại địa điểm sau đây.
Bước 1: Địa điểm nộp hồ sơ
Căn cứ khoản 3, Điều 3 Quyết định 595/QĐ-BHXH được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, địa điểm nộp hồ sơ như sau:
- Cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện nếu người đổi thẻ bảo hiểm y tế thuộc đối tượng do cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện trực tiếp quản lý.
- Cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nếu người đổi thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh trực tiếp quản lý.
Bước 2: Cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết hồ sơ
Theo quy định tại khoản 2, Điều 30 Quyết định 595/QĐ-BHXH được sửa đổi bởi khoản 32 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ kiểm tra hồ sơ và tiến hành giải quyết cho người có nhu cầu thay đổi trong thời hạn như sau:
- Trường hợp không thay đổi thông tin, cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
- Trường hợp thay đổi thông tin, không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Nộp hồ sơ trực tuyến
Căn cứ Công văn 10928/VPCP-KSTT của Văn phòng Chính phủ về việc kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Bảo hiểm xã hội Việt nam đã phối hợp với văn phòng Chính phủ và các cơ quan để nâng cấp hệ thống giao dịch.
Theo đó, người tham gia bảo hiểm y tế có thể thực hiện thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Cụ thể như sau:
Bước 1: Đăng ký tài khoản
- Người đổi thẻ bảo hiểm y tế truy cập trang chủ của Cổng Dịch vụ Công Quốc gia.
- Nhấn chọn “Đăng ký” ở góc phải màn hình, lựa chọn “Công dân”.
- Sau đó nhập các thông tin cá nhân để thực hiện đăng ký tài khoản.
Bước 2: Đăng nhập tài khoản
Sau khi đăng ký tài khoản, người sử dụng đăng nhập lại vào tài khoản theo các thông tin: Số Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân, mật khẩu, mã xác minh.
Mã OTP sẽ được gửi qua số điện thoại đã đăng ký, nhập mã và bấm “Xác nhận” để hoàn thành đăng nhập.
Bước 3: Thực hiện đăng ký thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế
- Sau khi đăng nhập, trên trang chủ nhấn chọn Thông tin và dịch vụ, tìm đến mục Dịch vụ công trực tuyến.
- Chọn Cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên thẻ bảo hiểm y tế do hỏng, mất và nhấn vào ô Nộp trực tuyến. Hệ thống tự động chuyển sang Cổng Dịch vụ Công trực tuyến của ngành Bảo hiểm xã hội.
Lưu ý: Trường hợp thực hiện giao dịch điện tử doanh nghiệp thực hiện thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế thực hiện lập hồ sơ bằng phần mềm kê khai của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc của Tổ chức I-VAN; Ký điện tử trên hồ sơ và gửi đến Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc qua Tổ chức I-VAN.
Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ra Quyết định số 1666/QĐ-BHXH về việc ban hành mẫu thẻ bảo hiểm y tế. Theo đó, từ ngày 01/4/2021, mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới sẽ được sử dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.
Với phôi thẻ bảo hiểm y tế đã in trước đó mà chưa sử dụng hết thì được tiếp tục sử dụng cấp cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Trong thời gian chờ đổi thẻ bảo hiểm y tế mới, thẻ đã cấp còn hạn được tiếp tục dùng để khám chữa bệnh.
Trên đây là hướng dẫn thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc liên hệ 1900 6192 để được hỗ trợ.