Có gì mới trong thẻ bảo hiểm y tế điện tử?

Sắp tới, cơ quan bảo hiểm xã hội tiến hành cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử cho người tham gia. Vậy thẻ bảo hiểm y tế điện tử đặc biệt như thế nào?

Thẻ bảo hiểm y tế điện tử nhận diện bằng khuôn mặt

Điểm g khoản 5 Điều 42 Nghị định 146/2018/NĐ-CP nêu rõ:

Chậm nhất đến ngày 01/01/2020, cơ quan bảo hiểm xã hội phải thực hiện phát hành thẻ bảo hiểm y tế điện tử cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Đồng thời, Công văn 4173/VPCP-KSTT ngày 08/5/2018 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử có nêu:

Thủ tướng yêu cầu thẻ BHYT điện tử phải gắn chíp với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ, bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Thực hiện chỉ đạo này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thẻ BHYT điện tử được làm bằng nhựa, kích cỡ tương đương thẻ ATM nhưng có gắn chip điện tử lưu trữ thông tin người tham gia, thuận lợi cho quá trình theo dõi và điều trị bệnh.

Đặc biệt, thẻ cho phép xác nhận người bệnh thông qua công nghệ sinh trắc học (nhận diện bằng vân tay, khuôn mặt) một cách nhanh chóng, chính xác.

Các nội dung cơ bản trên thẻ bao gồm: Mã số, họ và tên, ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm cấp thẻ. Các nội dung khác như giới tính, nơi cư trú, cơ sở khám chữa bệnh ban đầu...sẽ được quản lý trực tiếp trên phần mềm nghiệp vụ của cơ quan bảo hiểm.

Thẻ bảo hiểm y tế điện tử đặc biệt như thế nào?


3 ưu việt của thẻ bảo hiểm y tế điện tử

Thực tế có thể thấy, việc thay thẻ bảo hiểm y tế giấy bằng thẻ BHYT điện tử đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các bên liên quan. Cụ thể:

Đối với người tham gia bảo hiểm y tế

Những người tham gia BHYT đã có thẻ BHYT giấy sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội chủ động chuyển sang thẻ BHYT điện tử mà không yêu cầu phải bổ sung hồ sơ.

Đồng thời, người có thẻ BHYT điện tử cũng không cần xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh khi đến khám, chữa bệnh BHYT như trước đây.

Đối với cơ sở khám, chữa bệnh

Lợi ích thiết thực nhất đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khi sử dụng thẻ BHYT điện tử đó là việc tiếp đón bệnh nhân.

Thay vì đợi bệnh nhân xuất trình thẻ BHYT giấy cùng giấy tờ tùy thân có dán ảnh, ngày nay, cơ sở khám, chữa bệnh đã có thể tiết kiệm được thời gian kiểm tra, đối chiếu bởi thông tin lưu giữ trong thẻ điện tử được dùng để nhận dạng, xác thực nhân thân bệnh nhân.

Đặc biệt, thẻ còn có tính năng tích hợp, liên kết, lưu trữ thông tin, nhờ vậy mà thuận lợi hơn cho quá trình theo dõi và điều trị của người bệnh khi toàn bộ lịch sử khám, chữa bệnh được lưu lại trên thẻ.

Đối với cơ quan bảo hiểm xã hội

Không riêng người bệnh hay cơ sở khám, chữa bệnh, việc sử dụng thẻ BHYT điện tử còn giúp cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết tình trạng mượn thẻ BHYT để trục lợi, do người đi khám, chữa bệnh phải xác thực nhân thân chủ thẻ thông qua công nghệ sinh trắc học.

Ngoài ra, thẻ BHYT điện tử còn góp phần giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHYT như cấp, cấp lại, đổi thẻ, điều chỉnh thông tin thẻ… Và hơn hết, rút ngắn được thời gian giám định, thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho người bệnh…

>> “Giải mã” 15 ký tự trong mã số của Thẻ bảo hiểm y tế mới nhất

Thùy Linh

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Theo quy định tại Điều 11 Luật BHYT 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2024 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế. Vậy trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT?