Doanh nghiệp chú ý: Năm 2025, thay đổi lịch nộp tiền BHXH

Từ 01/7/2025, doanh nghiệp cần lưu ý 02 thay đổi về lịch nộp tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) trong thời gian tới.

Thay đổi thời gian trích nộp BHXH từ 01/7/2025

Sẽ kéo dài thêm 01 tháng thời hạn đóng BHXH bắt buộc từ ngày 01/7/2025 (Ảnh minh họa)

Từ ngày 01/7/2025, thời hạn đóng BHXH bắt buộc cho người sử dụng lao động sẽ được kéo dài thêm 01 tháng so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Người sử dụng lao động đóng BHXH muộn hơn 01 tháng so với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì cũng không bị xem là chậm đóng BHXH.

Theo quy định, sau khi đăng ký tham gia các loại bảo hiểm cho người lao động thì doanh nghiệp có trách nhiệm trích nộp các loại tiền BHXH, BHYT, BHTN để đóng cho cơ quan bảo hiểm.

Hiện hành, khoản 1 Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định, hằng tháng (chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng), người sử dụng lao động có trách nhiệm trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng và tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động để chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Có nghĩa thời hạn đóng tiền BHXH cho người lao động chậm nhất là tới ngày cuối cùng của phương thức đóng. Cụ thể:

- Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng với phương thức đóng hàng tháng.

- Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 với phương thức 03 tháng đóng 01 lần.

- Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 06 với phương thức 06 tháng đóng 01 lần.

Tuy nhiên, lưu ý rằng từ 01/7/2025 tới đây, theo khoản 4 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, thời gian trích nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất là:

- Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo với phương thức đóng hàng tháng.

- Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng với phương thức đóng 03 tháng 01 lần hoặc 06 tháng 01 lần.

Như vậy, với doanh nghiệp đăng ký trích nộp bảo hiểm xã hội theo phương thức đóng hàng tháng thì thay vì cứ cuối tháng nào phải trích nộp BHXH của tháng đó thì từ 01/7/2025, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo doanh nghiệp mới cần nộp tiền trích nộp của tháng trước.

Siết chặt thời gian phạt chậm nộp BHXH

Doanh nghiệp được phép chậm đóng BHXH dưới 30 ngày (Ảnh minh họa)

Chậm đóng tiền bảo hiểm là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật BHXH năm 2014. Cùng với đó, khoản 3 Điều 122 Luật này đã quy định về việc xử lý vi phạm đối với hành vi này như sau:

Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng;…

Có thể thấy hiện nay, doanh nghiệp được phép chậm đóng BHXH dưới 30 ngày. Nếu chậm nộp BHXH từ 30 ngày trở lên sẽ phải nộp thêm số tiền lãi cho Quỹ BHXH.

Tuy nhiên từ 01/7/2025, doanh nghiệp bắt buộc phải đóng đầy đủ số tiền theo hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất như đúng theo phương thức đóng đã đăng ký:

- Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo nếu đóng hàng tháng hoặc;

- Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng với phương thức đóng 03 tháng 01 lần hoặc 06 tháng 01 lần.

Như vậy, từ 01/7/2025, nếu sau ngày cuối cùng của tháng tiếp theo mà doanh nghiệp vẫn chưa nộp tiền BHXH thì sẽ tính luôn là chậm nộp thay vì sau 30 ngày trở lên mới tính như hiện nay.

Căn cứ khoản 1 Điều 40, khoản 1 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, bên cạnh việc buộc phải đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng thì doanh nghiệp phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm/trốn đóng vào quỹ BHXH.

Ngoài ra, người sử dụng lao động có hành vi chậm/trốn đóng BHXH bắt buộc còn bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, người sử dụng lao động có hành vi chậm/trốn đóng BHXH từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định thì còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Chi tiết: Cách tính tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội mới nhất

Trên đây là cập nhật của LuatVietnam về vấn đề thay đổi lịch nộp tiền BHXH từ 01/7/2025 mà doanh nghiệp cần lưu ý.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?