10 khoản trợ cấp BHXH tăng từ 01/7/2024 theo mức lương cơ sở mới

Mặc dù việc cải cách tiền lương bị tạm hoãn nhưng các cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang vẫn sẽ được tăng lương cơ sở. Hãy cùng LuatVietnam cập nhật 10 khoản trợ cấp BHXH tăng từ 01/7/2024 theo mức lương cơ sở mới ngay trong bài viết dưới đây.

1. Lương cơ sở từ 01/7/2024 được tăng bao nhiêu? 

Trong lúc chờ thực hiện cải cách tiền lương theo vị trí việc làm trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã đưa ra phương án tối ưu và công bằng nhất, giúp tất cả đều “vui” chính là tăng mức lương cơ sở hiện hành từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ 01/7/2024.

Việc mức lương cơ sở còn thấp đã làm cho đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư ngày càng nhiều.

Do vậy, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang chính thức được hưởng chế độ tiền lương mới sau đợt cải cách tiền lương từ 01/7/2024.

Đây được coi là một điểm nhấn, dấu ấn mang tính lịch sử, tạo ra tâm trạng vui tươi, phấn khởi đối với các cán bộ, công chức, viên chức và lao động khu vực công bởi lần cải cách gần nhất là phải hơn 20 năm tính cho tới thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, vì trong quá trình nghiên cứu vẫn còn nhiều bất cập về việc bãi bỏ lương cơ sở; điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH, ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội..., Chính phủ đã quyết định sẽ tạm hoãn việc bãi bỏ mức lương cơ sở cùng hệ số lương để hoàn thành hoàn thiện nhất chế độ tiền lương trong thời gian sắp tới.

2. Lương cơ sở tăng, lương hưu năm 2024 có tăng theo?

Theo Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, mức hưởng lương hưu của người lao động có thời gian tham gia BHXH sẽ được tính toán dựa trên thời gian đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) và mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.

Tuy nhiên, Điều 56 và Điều 71 Luật BHXH năm 2014 lại quy định mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia BHXH bắt buộc là bằng mức lương cơ sở.

Do đó, khi lương cơ sở tăng thì mức hưởng lương hưu thấp nhất được tính cho người lao động tham gia BHXH bắt buộc nghỉ hưu vào năm 2024 cũng sẽ tăng theo.

Lúc này, mức hưởng lương hưu tối thiểu sẽ tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên thành 2,34 triệu đồng/tháng.

trợ cấp BHXH tăng từ 01/7/2024

3. 10 khoản trợ cấp BHXH tăng từ 01/7/2024 theo mức lương cơ sở mới 

Theo Luật BHXH năm 2014, có rất nhiều khoản trợ cấp BHXH được tính theo lương cơ sở. Do vậy, khi lương cơ sở tăng, loạt trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất cũng được điều chỉnh tăng. Cụ thể:

(1) Tăng mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau

Theo khoản 3 Điều 29 Luật BHXH năm 2014, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau được tính theo công thức sau:

Mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau/ngày = 30% x Mức lương cơ sở

Khi lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên thành 2,34 triệu đồng/tháng, khoản trợ cấp trên sẽ tăng từ 540.000 đồng/ngày lên thành 702.000 đồng/ngày.

(2) Tăng mức trợ cấp 1 lần khi sinh con

Theo Điều 38 Luật BHXH năm 2014, lao động nữ sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi được cơ quan BHXH thanh toán trợ cấp 1 lần:

Trợ cấp 1 lần/con = 2 x Mức lương cơ sở

Khi mức lương cơ sở năm 2024 tăng, mức trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nuôi con nuôi của người lao động cũng điều chỉnh tăng từ 3,6 triệu đồng/con lên thành 4,68 triệu đồng/con.

(3) Tăng mức dưỡng sức sau thai sản

Theo khoản 3 Điều 41 Luật BHXH năm 2014, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản được tính theo công thức sau:

Mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau/ngày = 30% x Mức lương cơ sở

Khi lương cơ sở tăng thì tiền trợ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đâu cũng tăng từ 540.000 đồng/ngày lên thành 702.000 đồng/ngày.

(4) Tăng mức trợ cấp 1 lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Căn cứ Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được nhận trợ cấp 1 lần.

Một phần của khoản trợ cấp này sẽ được tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động và mức lương cơ sở tại thời điểm chi trả. Cụ thể:

Trợ cấp = 5 x Mức lương cơ sở + (Tỷ lệ % suy giảm lao động - 5) x 0,5 x Mức lương cơ sở

Khi lương cơ sở được tăng, mức trợ cấp 1 lần tính theo mức độ suy giảm lao động cũng sẽ tăng theo.

- Suy giảm 5% khả năng lao động: Trợ cấp tăng từ 09 triệu đồng lên 11,7 triệu đồng.

- Sau đó cứ suy giảm thêm 1%: Hưởng thêm 1,17 triệu đồng (hiện nay là 900.000 đồng).

(5) Tăng trợ cấp hằng tháng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động,  bệnh nghề nghiệp thì được nhận trợ cấp hằng tháng.

Một phần của khoản trợ cấp này sẽ được tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động và mức lương cơ sở tại thời điểm chi trả. Cụ thể:

Trợ cấp/tháng = 30% x Mức lương cơ sở + (Tỷ lệ % suy giảm lao động - 31) x 2% x Mức lương cơ sở

Khi tăng lương cơ sở, mức trợ cấp hằng tháng tính theo mức độ suy giảm lao động cũng sẽ tăng theo.

- Suy giảm 31% khả năng lao động: Trợ cấp tăng 540.000 đồng/tháng lên thành 702.000 đồng/tháng.

- Sau đó cứ suy giảm thêm 1%: Hưởng thêm 46.800 đồng/tháng (hiện nay là 36.000 đồng/tháng).

(6) Tăng trợ cấp phục vụ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sẽ được trợ cấp phục vụ hằng tháng nếu có thêm một trong các điều kiện sau:

- Bị liệt cột sống

- Mù hai mắt.

- Cụt, liệt hai chi.

- Bị bệnh tâm thần.

Trợ cấp phục vụ/tháng = Mức lương cơ sở

Khi tăng lương cơ sở tăng, mức trợ cấp phục vụ tăng theo từ 1,8 triệu đồng/tháng lên thành 2,34 triệu đồng/tháng.

(7) Tăng trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Căn cứ Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân sẽ được thanh toán trợ cấp 1 lần:

Trợ cấp 1 lần = 36 x Mức lương cơ sở

Khi lương cơ sở tăng, mức trợ cấp này cũng tăng từ 64,8 triệu đồng lên 84,24 triệu đồng.

(8) Tăng mức dưỡng sức sau điều trị

Căn cứ Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động quay trở lại làm việc sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà trong thời gian 30 ngày đầu mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Mức trợ cấp dưỡng sức sau điều trị/ngày = 30% x Mức lương cơ sở

Khi lương cơ sở tăng thì trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị thương tật, bệnh tật tăng từ 540.000 đồng/ngày lên 702.000 đồng/ngày.

(9) Tăng mức trợ cấp mai táng

Theo Điều 66 Luật BHXH năm 2014, người lao động sau đây chết thì thân nhân sẽ được trợ cấp mai táng:

- Người đang tham gia BHXH.

- Người đang bảo lưu quá trình đóng BHXH.

- Người đang hưởng lương hưu.

- Người đang hưởng trợ cấp cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

- Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trợ cấp mai táng = 10 x Mức lương cơ sở

Khi lương cơ sở tăng, khoản tiền trợ cấp mai táng cũng tăng từ 18 triệu đồng lên 23,4 triệu đồng.

(10) Tăng mức trợ cấp tuất hằng tháng

Căn cứ Điều 68 Luật BHXH năm 2014, mức trợ cấp tuất hằng tháng chi trả cho thân nhân người lao động như sau:

Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng

Trường hợp còn lại

Trợ cấp tuất hằng tháng = 70% x Mức lương cơ sở

Trợ cấp tuất hằng tháng = 50% x Mức lương cơ sở

Tới đây, khi lương cơ sở tăng, mức trợ cấp tuất hằng tháng cũng tăng. Cụ thể:

- Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng: Trợ cấp tuất hằng tháng tăng từ 1,26 triệu đồng/tháng lên thành 1,638 triệu đồng/tháng.

- Trường hợp còn lại: Trợ cấp tuất hằng tháng tăng từ 900.000 đồng/tháng lên thành 1,17 triệu đồng/tháng.

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “10 khoản trợ cấp BHXH tăng từ 01/7/2024 theo mức lương cơ sở mới”. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(16 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục