Quyền lợi NLĐ có bị ảnh hưởng khi tạm dừng, giảm mức đóng BHXH?

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm Covid-19, tại Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021, Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp được tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Vậy khi đó, quyền lợi của người lao động (NLĐ) có bị ảnh hưởng?


Giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động, NLĐ có bị giảm quyền lợi?

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP, doanh nghiệp sẽ được giảm mức đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xuống còn 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (trước đây phải đóng 0,5% hoặc 0,3%).

Việc giảm mức đóng này được áp dụng trong thời gian 12 tháng, từ 01/7/2021 đến hết 30/6/2022. Theo đó, doanh nghiệp không cần phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong thời gian này.

Tuy không được doanh nghiệp đóng loại bảo hiểm này do mức đóng là 0% nhưng người lao động vẫn được tính là đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Vì vậy, nếu có xảy ra tai nạn lao động hay mắc bệnh nghề nghiệp trong thời gian giảm mức đóng thì quỹ BHXH vẫn sẽ chi trả đầy đủ các quyền lợi tương ứng cho người lao động.

Và như vậy, việc giảm mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ không làm ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người lao động. Chính sách này mục đích là để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch bệnh chứ không làm giảm quyền lợi chính đáng của người lao động.

Thậm chí, người lao động còn được nhận thêm quyền lợi khi Nghị quyết 68 yêu cầu rằng, doanh nghiệp phải hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng bảo hiểm cho người lao động phòng chống Covid-19.

Tạm dừng, giảm mức đóng BHXH ảnh hưởng gì đến người lao động? (Ảnh minh họa)


Tạm dừng đóng quỹ hưu trí, người lao động có bị thiệt thòi?

Căn cứ Nghị quyết 68 và hướng dẫn tại Điều 5 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, người sử dụng lao động mà bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% số lao động tham gia BHXH trở lên thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian 06 tháng nếu có hồ sơ đề nghị.

Đặc biệt với doanh nghiệp đã được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo Nghị quyết số 42/NQ-CP năm 2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP năm 2020 thì tổng thời gian tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất là không quá 12 tháng.

Trong khi đó, nếu thực hiện đóng bảo hiểm theo đúng quy định, mỗi tháng, người sử dụng lao động phải đóng 14% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Với việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí, nhiều người lao động lo lắng rằng họ sẽ bị mất quyền lợi khi về hưu. Tuy nhiên, lo lắng này là không cần thiết bởi sau khi hết thời gian tạm dừng, người sử dụng lao động phải đóng bù.

Nội dung này được khoản 1 Điều 7 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg nêu rõ:

1. Hết thời gian tạm dừng đóng quy định tại Điều 6 Quyết định này, người lao động và người sử dụng lao động tiếp tục đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng (đối với cả người lao động ngừng việc hưởng tiền lương theo Điều 99 Bộ luật Lao động), số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội.

Thậm chí, nếu hết thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, người sử dụng lao động không thực hiện việc đóng bù thì vừa phải đóng đủ tiền bảo hiểm, vừa phải nộp thêm tiền lãi chậm đóng.

Bên cạnh đó, người lao động mà đủ điều kiện hưởng hưu trí, chế độ tử tuất hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian đang tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất thì doanh nghiệp và người lao động phải đóng bù tiền bảo hiểm cho thời gian tạm dừng đóng để làm căn cứ cho cơ quan BHXH giải quyết chế độ cho người lao động.

Vì vậy, dù tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất nhưng các quyền lợi của người lao động cũng không bị ảnh hưởng do được đóng bù và giải quyết chế độ khi đủ điều kiện.

Trên đây là giải đáp thắc mắc: "Giảm mức đóng BHXH NLĐ có bị ảnh hưởng?". Nếu còn thắc mắc liên quan đến mức đóng BHXH, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài: 1900.6192 để được giải đáp sớm nhất.

>> Mức đóng BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT từ 01/7/2021

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?