Từ 01/7/2020, tiền thai sản sẽ tăng theo mức tăng của lương cơ sở. Đây là niềm vui không nhỏ đối với các cặp vợ chồng sinh con từ ngày này.
Tăng tiền trợ cấp một lần khi sinh con từ 1/7/2020
Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Từ 01/7/2020, mức lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng thay vì 1,49 triệu đồng/tháng như trước đây. Do đó, mức tiền trợ cấp một lần khi sinh con được điều chỉnh như sau:
- Sinh con trước ngày 1/7/2020: Mức tiền trợ cấp bằng 1,49 triệu đồng x 2 = 2,98 triệu đồng
- Sinh con ngày 1/7/2020: Mức tiền trợ cấp bằng 1,6 triệu đồng x 2 = 3,2 triệu đồng
Đặc biệt, trong trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được hưởng khoản tiền trợ cấp nêu trên.
Tăng tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh
Theo Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau sinh một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Do đó, khi mức lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng, mức tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh được tính như sau:
- Sinh con trước ngày 1/7/2020: 1,49 triệu đồng x 30% = 447.000 đồng/ngày
- Sinh con sau ngày 1/7/2020: 1,6 triệu đồng x 30% = 480.000 đồng/ngày
Ngoài hai khoản trợ cấp nêu trên, tiền chế độ thai sản của lao động nữ sinh con vẫn không thay đổi, vẫn được xác định theo công thức:
Mức hưởng hàng tháng | = | 100% | x | Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 06 tháng trước khi nghỉ sinh |
Trường hợp đóng chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng được tính theo mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng.
Tiền thai sản tăng khi sinh con từ 1/7/2020 (Ảnh minh họa)
Hướng dẫn cách lấy tiền thai sản năm 2020
Để nhận được tiền thai sản, cả lao động nam và lao động nữ đều phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm các giấy tờ:
* Đối với lao động nữ sinh con:
- Bản sao giấy khai sinh, trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.
- Trường hợp con chết sau khi sinh: Ngoài giấy tờ nêu trên, cần bổ sung bản sao giấy chứng tử, trích lục khai tử hoặc giấy báo tử của con; nếu con chết mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì cung cấp trích sao, giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án của người mẹ thể hiện con chết.
- Trường hợp người mẹ chết sau khi sinh thì có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người mẹ.
- Trường hợp người mẹ sau sinh không đủ sức khỏe để chăm con thì cần thêm biên bản giám định y khoa của người mẹ.
* Đối với lao động nam có vợ sinh con:
- Bản sao giấy chứng sinh, giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con.
- Trường hợp con chết mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì cung cấp trích sao, giấy ra viện của người mẹ hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện con chết.
- Trường hợp sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi mà giấy chứng sinh không thể hiện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện việc sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
(khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH)
Sau khi có đầy đủ các giấy tờ nêu trên, người lao động nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động để được giải quyết.
Hiện nay, LuatVietnam liên tục cập nhật các thông tin mới nhất về chế độ thai sản, bạn đọc có thể theo dõi thêm tại đây.
Cách tính tiền thai sản năm 2020 (Video LuatVietnam)
Thùy Linh