Sinh con được nghỉ bao nhiêu tháng?

Câu hỏi: “Sinh con được nghỉ bao nhiêu tháng?” là vấn đề mà bất kì người lao động chuẩn bị sinh con cũng vô cùng quan tâm. Sau đây là những cập nhật mới nhất về thời gian nghỉ chế độ thai sản khi sinh con của người lao động.


1. Sinh con được nghỉ bao nhiêu tháng?

Lao động nữ khi sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng tương ứng với mỗi con được sinh ra thêm (theo khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Lưu ý: Thời gian nghỉ trước khi sinh con chỉ được tính hưởng cho tối đa 02 tháng. Nếu nghỉ trước sinh dài hơn 02 tháng thì thời gian dài hơn đó không được tính hưởng chế độ thai sản.

Dẫu vậy, người lao động sinh con không bị buộc phải nghỉ cố định thời gian 06 tháng kể trên mà có thể nghỉ linh hoạt hơn.

Nếu muốn đi làm sớm, người lao động chỉ cần nghỉ hưởng chế độ thai sản tối thiểu 04 tháng là có thể quay trở lại công ty làm việc (theo khoản 4 Điều 139 Bộ luật Lao động).

Ngược lại nếu có nhu cầu đi làm muộn hơn, người lao động có thể nghỉ thêm một khoảng thời gian với điều kiện là không hưởng tiền lương và phải được người sử dụng lao động chấp thuận (căn cứ khoản 3 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019).

Sinh con được nghỉ bao nhiêu tháng?
Sinh con được nghỉ bao nhiêu tháng? (Ảnh minh họa)

2. Khi sinh con được thanh toán quyền lợi bảo hiểm thế nào?

Người lao động đi làm công ty thường được đóng 03 loại bảo hiểm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Nhờ đó, khi sinh con, lao động nữ sẽ được hưởng các quyền lợi sau đây:

- Được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế khi sinh con ở các cơ sở y tế

Theo khoản 1 Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con.

Căn cứ vào mức hưởng trên thẻ bảo hiểm y tế mà người lao động sẽ được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh với tỷ lệ tương ứng. Hiện nay, mức hưởng trên thẻ bảo hiểm y tế của người lao động làm việc tại doanh nghiệp thường là 80% nên sẽ được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh.

- Được hưởng chế độ thai sản.

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động sinh con sẽ được thanh toán chế độ thai sản với các khoản tiền sau đây:

(1) Tiền trợ cấp 1 lần khi sinh con.

Cách tính được quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:

Trợ cấp một lần/con = 2 x Mức lương cơ sở

(2) Tiền trợ cấp thai sản.

Cách tính tiền trợ cấp thai sản được quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:

Mức hưởng

=

100%

x

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ

x

6 tháng

(3) Tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe là từ 05 đến 10 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần).

Mức hưởng chế độ dưỡng sức được quy định tại Điều  41 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:

Mức hưởng = 30% x Mức lương cơ sở x Số ngày nghỉ

Quyền lợi về bảo hiểm khi sinh con là gì?
Quyền lợi về bảo hiểm khi sinh con là gì? (Ảnh minh họa)

3. Trong thời gian nghỉ sinh, lao động nữ được hưởng đặc quyền gì?

Theo Bộ luật Lao động, lao động nữ đang trong thời gian nghỉ sinh con sẽ được hưởng các đặc quyền sau:

(1) Không bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Quyền lợi này được ghi nhận tại khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019.

(2) Không bị công ty xử lý kỷ luật lao động dù có mắc lỗi.

Khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động năm 2019 nghiêm cấm người sử dụng lao động xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

(3) Được bảo đảm việc làm cũ.

Theo Điều 140 Bộ luật Lao động, người lao động trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian thai sản được bảo đảm việc làm cũ, không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản.

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “Sinh con được nghỉ bao nhiêu tháng?” Nếu gặp vướng mắc liên quan đến chế độ thai sản, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ sớm nhất.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không đáp ứng đủ điều kiện bị phạt bao nhiêu tiền?

Người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không đáp ứng đủ điều kiện bị phạt bao nhiêu tiền?

Người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không đáp ứng đủ điều kiện bị phạt bao nhiêu tiền?

Người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cần phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Dưới đây là thông tin về mức xử phạt đối với người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không đáp ứng đủ điều kiện.

6 điểm mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2025

6 điểm mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2025

6 điểm mới tại Thông tư 01/2025/TT-BYT về khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2025

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BYT. Theo đó, Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2024 với nhiều quy định liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người bệnh, đặc biệt là những người mắc các bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo từ 01/01/2025.