Lao động nữ bị sẩy thai được nghỉ bao nhiêu ngày?

Một trong những quyền lợi mà lao động nữ rất quan tâm khi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đó là chế độ thai sản. Vậy trong trường hợp không may bị sẩy thai, lao động nữ được nghỉ hưởng chế độ bao nhiêu ngày?


1. Lao động nữ sẩy thai có được hưởng chế độ thai sản?

Do Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 không quy định riêng các điều kiện hưởng chế độ sẩy thai nên để thanh toán tiền BHXH, lao động nữ bị sẩy thai chỉ cần đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 30 và Điều 31 của Luật BHXH:

1 - Thuộc một trong các trường hợp sau:

- Người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên.

- Cán bộ, công chức, viên chức.

- Công nhân quốc phòng, công an; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ hoặc chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân.

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

2 - Đang tham gia BHXH bắt buộc.

3 - Mang thai nhưng không may bị sẩy thai. 


2. Lao động nữ sẩy thai được nghỉ bao nhiêu ngày?

Điều 33 Luật BHXH năm 2014 đã quy định cụ thể thời gian nghỉ hưởng chế độ sẩy thai của người lao động như sau:

1. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Theo quy định này, số ngày nghỉ của lao động nữ sẩy thai sẽ được thực hiện theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền nhưng thời gian tối đa không vượt quá:

- Thai dưới 05 tuần tuổi: Người mẹ được nghỉ tối đa 10 ngày.

- Thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi: Người mẹ được nghỉ tối đa 20 ngày.

- Thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi: Người mẹ được nghỉ tối đa 40 ngày.

- Thai từ 25 tuần tuổi trở lên: Người mẹ được nghỉ tối đa 50 ngày.

Thời gian này tính theo ngày bình thường, tức bao gồm cả ngày lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần.


3. Tiền chế độ sẩy thai tính như thế nào?

Theo quy định tại Điều 39 Luật BHXH năm 2014, số tiền BHXH mà lao động nữ sẩy thai được hưởng xác định theo công thức sau:

Tiền chế độ sẩy thai

=

100%

x

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ do sẩy thai

:

30

x

Số ngày nghỉ

Lưu ý: Trường hợp đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng tính theo mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.

Ví dụ: Chị A mang thai đến tuần thứ 15 thì bị sẩy thai, được bác sĩ chỉ định nghỉ 20 ngày. Trước đó, chị A đang đóng BHXH với mức lương bình quân là 09 triệu đồng/tháng.

Khi nghỉ hưởng chế độ sẩy thai, chị A được nhận số tiền BHXH như sau:

Tiền chế độ sẩy thai = 100% x 09 triệu đồng : 30 x 20 ngày = 06 triệu đồng

Xem thêm: Cách tính mức hưởng BHXH của chế độ sảy thai

Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi: “Sẩy thai được nghỉ bao nhiêu ngày?” Nếu vẫn còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ, tư vấn chi tiết.

>> Chế độ thai sản: Quyền lợi người lao động cần biết khi sinh con

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?