Sắp tăng mạnh mức trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Tiếp nối sự kiện tăng lương cơ sở năm 2020 lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 01/7/2020, LuatVietnam cung cấp những thông tin đáng chú ý liên quan đến các loại trợ cấp khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trợ cấp 1 lần tăng tối thiểu 550.000 đồng

(Dành cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30%)

Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định:

Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

Điều này đồng nghĩa với việc:

Từ 01/01/2020: Suy giảm 5% khả năng lao động được hưởng 7,45 triệu đồng, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 745.000 đồng.

Từ 01/7/2020: Suy giảm 5% khả năng lao động được hưởng 08 triệu đồng, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 800.000 đồng.

Ngoài mức trợ cấp nêu trên, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Dưới 01 năm tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm 01 năm đóng thì được tính thêm 0,3 tháng lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trợ cấp hàng tháng tăng ít nhất 33.000 đồng/tháng

(Dành cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên)

Khoản 2 Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định mức trợ cấp hàng tháng như sau:

Người lao động suy giảm 31% khả năng lao động thì hưởng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.

Từ 01/01/2020: Suy giảm 31% khả năng lao động, người lao động được hưởng 447.000 đồng/tháng, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 29.800 đồng/tháng.

Từ 01/7/2020: Suy giảm 31% khả năng lao động, người lao động được hưởng 480.000 đồng/tháng, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 32.000 đồng/tháng.

Ngoài mức trợ cấp này, hàng tháng người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Dưới 01 năm tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm 01 năm đóng thì được thêm 0,3% mức lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Xem thêm: Cách tính trợ cấp hằng tháng cho người tai nạn lao động

Mức trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2020

Sắp tăng mức trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Ảnh minh họa)

Trợ cấp phục vụ tăng 110.000 đồng/tháng

(Dành cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống, mù 2 mắt, cụt, liệt 2 chi hoặc bị bệnh tâm thần)

Theo Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động:

Ngoài mức hưởng trợ cấp hàng tháng, mỗi tháng, những lao động này còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

Từ 01/01/2020: Trợ cấp phục vụ = 1,49 triệu đồng/tháng.

Từ 01/7/2020: Trợ cấp phục vụ = 1,6 triệu đồng/tháng.

Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tăng thêm 33.000 đồng/ngày

(Dành cho người lao động trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi)

Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành nêu rõ:

Mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị thương tật, bệnh tật mỗi ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Trong đó, người lao động được nghỉ tối đa 10 ngày nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên; 07 ngày nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 31 - 50%; 05 ngày nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 15 - 30%.

Từ 01/01/2020: Người lao động được trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 447.000 đồng/ngày.

Từ 01/7/2020: Mức trợ cấp tăng lên 480.000 đồng/ngày, cao hơn trước 33.000 đồng/ngày.

Tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề cũng tăng

(Dành cho người sử dụng lao động có lao động phải đào tạo để chuyển đổi nghề)

Để đảm bảo ổn định công việc và thu nhập cho người lao động, Điều 55 Luật này quy định:

Người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới, nếu phải đào tạo để chuyển đổi nghề thì được hỗ trợ học phí. Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá 15 lần mức lương cơ sở.

Trong trường hợp này, người sử dụng lao động sẽ nhận được:

Từ 01/01/2020: Không quá 22,35 triệu đồng/người lao động.

Từ 01/7/2020: Không quá 24 triệu đồng/người lao động.

Trợ cấp khi người lao động chết tăng mạnh nhất

(Dành cho thân nhân của người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp)

Theo quy định tại Điều 53:

Ngoài chế độ tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội, thân nhân người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.

Từ 01/01/2020: Thân nhân được nhận 53,64 triệu đồng.

Từ 01/7/2020: Thân nhân được nhận 57,6 triệu đồng (tăng tới 3,96 triệu đồng).

Như vậy, có thể thấy, chỉ với việc tăng lương cơ sở đã kéo theo hàng loạt các khoản trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cùng tăng.

>> Tổng hợp các loại trợ cấp cho người bị tai nạn lao động

Thùy Linh

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Theo quy định tại Điều 11 Luật BHYT 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2024 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế. Vậy trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT?