Quá hạn nộp hồ sơ hưởng BHXH, doanh nghiệp cần làm gì?

Để được thanh toán các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động phải phối hợp với doanh nghiệp nộp hồ sơ đúng hạn. Trường hợp quá hạn mới nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH, doanh nghiệp phải làm gì để khắc phục?


1. Thời hạn nộp hồ sơ hưởng BHXH là bao lâu?

Để được hưởng các quyền lợi về BHXH, người lao động và doanh nghiệp cần nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH theo đúng thời hạn sau:

Chế độ BHXH

Thời hạn nộp hồ sơ

Chế độ ốm đau, chế độ thai sản

Trong 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động nộp đầy đủ hồ sơ cho người sử dụng lao động.

Trong 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, doanh nghiệp hoàn thiện nốt hồ sơ và gửi cho cơ quan BHXH.

Căn cứ: Khoản 1 Điều 102 Luật BHXH năm 2014.

Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản

Trong 10 ngày kể từ ngày người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức, doanh nghiệp lập danh sách và nộp cho cơ quan BHXH.

Căn cứ: Điều 103 Luật BHXH năm 2014.

Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Doanh nghiệp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH trong 30 ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Căn cứ: Khoản 1 Điều 59 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Doan nghiệp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH trong 10 ngày, kể từ ngày người lao động được xác định là sức khỏe chưa phục hồi.

Căn cứ: Khoản 1 Điều 60 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Lương hưu

Trong 30 ngày tính đến thời điểm người lao động được hưởng lương hưu, doanh nghiệp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.

Căn cứ: Khoản 1 Điều 110 Luật BHXH năm 2014.

Chế độ tử tuất

Trong 90 ngày kể từ ngày người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bị chết thì thân nhân nộp hồ sơ cho doanh nghiệp

Trong 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ thân nhân của người lao động, doanh nghiệp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH

Căn cứ: Khoản 1 và khoản 2 Điều 112 Luật BHXH năm 2014.


qua han nop ho so huong bhxh


2. Chậm nộp hồ sơ hưởng BHXH, cơ quan BHXH có giải quyết?

Đối với việc doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau; chế độ thai sản; trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản; chế độ hưu trí; chế độ tử tuất; khoản 1 Điều 116 Luật BHXH năm 2014 đã quy định:

1. Trường hợp vượt quá thời hạn được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 102, khoản 1 Điều 103, khoản 1 và khoản 2 Điều 110, khoản 1 và khoản 2 Điều 112 của Luật này thì phải giải trình bằng văn bản.

Còn với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khoản 1 Điều 61 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định:

1. Trường hợp vượt quá thời hạn giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại Điều 59 và khoản 1 Điều 60 của Luật này thì phải giải trình bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, nếu doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ hưởng chế độ cho cơ quan BHXH thì vẫn có thể được chấp nhận nếu có giải trình bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Để quá hạn nộp hồ sơ hưởng BHXH, doanh nghiệp phải làm gì?

Như đã đề cập, nếu chậm nộp hồ sơ hưởng BHXH so với thời hạn quy định, doanh nghiệp phải có giải trình bằng văn bản về lý do chậm nộp hồ sơ gửi kèm theo hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH để được xem xét.

Doanh nghiệp có thể khảo mẫu sau đây:

TÊN DOANH NGHIỆP
- Số:…/….
V/v: Giải trình chậm nộp hồ sơ BHXH
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


….., ngày…tháng…năm…
Kính gửi: BHXH …………………

Tên công ty: …………………………………………………………

Địa chỉ trụ sở: ………………………………………………………

Giấy CNĐKDN số: …..….. do Sở Kế hoạch đầu tư … cấp ngày…tháng… năm….

Hotline:…………………… Số Fax/email (nếu có): ………………

Người đại diện theo pháp luật: Ông/Bà ……………………………

Sinh năm:………….…    Chức vụ:…………………….……………

Căn cứ đại diện:………………………………………………………

Địa chỉ thường trú: ……………………………………………….....

 Nơi cư trú hiện tại: …………………………………………………

Số điện thoại liên hệ: …………………………………………………

(Tên doanh nghiệp) xin giải trình với Quý cơ quan về việc chậm nộp hồ sơ bhxh như sau:

Lý do doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ BHXH: …………………………….………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….……

Đính kèm theo công văn này là các giấy tờ, căn cứ chứng minh cho lý do chậm nộp hồ sơ BHXH là hợp pháp để được BHXH……. xem xét, giải quyết:

- ………………………………………………………………………
- ………………………………………………………………………

Trên đây là toàn bộ phần giải trình về việc chậm nộp hồ sơ BHXH của …………………….. (Tên doanh). Chúng tôi xin cam đoan mọi thông tin, giấy tờ là hoàn toàn đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật. Kính đề nghị BHXH ……… xem xét và giải quyết./.

Nơi nhận:                                                           

- Như trên;                                                          

- Lưu VT

TM. DOANH NGHIỆP

GIÁM ĐỐC
(ký tên)
Trường hợp chậm nộp hồ sơ dẫn tới gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thì theo khoản 2 Điều 116 Luật BHXH năm 2014 và khoản 2 Điều 61 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người lao động.

Xem thêm: Nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản muộn, có sao không? 

Từ tháng 04/2022, LuatVietnam đã ra mắt trang Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp cập nhật chính sách mới, giải đáp thắc mắc về các quy định của pháp luật, hỗ trợ làm các thủ tục online... Xem chi tiết TẠI ĐÂY.

Trên đây là những việc doanh nghiệp cần làm khi để quá hạn nộp hồ sơ hưởng BHXH. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục