Lao động nữ phá thai có được hưởng chế độ thai sản?

Sau khi nạo phá thai, sức khỏe của lao động nữ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, họ cần được nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe trước khi quay lại làm việc. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về chế độ thai sản đối với trường hợp phá thai?


1. Trường hợp nào phá thai sẽ được hưởng chế độ thai sản?

Để được hưởng chế độ thai sản khi phá thai, lao động nữ phải đáp ứng đồng thời các điều kiện được quy định tại Điều 30, Điều 31 và Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, bao gồm:

(1) - Đang tham gia BHXH bắt buộc theo một trong các đối tượng sau:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên.

- Cán bộ, công chức, viên chức.

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân.

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

(2) - Mang thai nhưng sau đó phải phá thai bệnh lý.

Như vậy, có thể thấy, chỉ những trường hợp phá thai bệnh lý thì người lao động đang đóng BHXH mới được hưởng chế độ thai sản. Trường hợp tự ý phá thai sẽ không được cơ quan BHXH giải quyết chế độ. 


2. Lao động nữ phá thai được hưởng chế độ thai sản thế nào?

Điều 33 Luật BHXH 2014 đã quy định cụ thể thời gian hưởng chế độ khi phá thai bệnh lý của lao động nữ như sau:

1. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Theo đó, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi phá thai vì lý do bệnh lý sẽ được căn cứ theo chỉ định bác sĩ nhưng chỉ được giải quyết tối đa:

- 10 ngày: Với thai dưới 05 tuần tuổi.

- 20 ngày: Với thai từ 05 - dưới 13 tuần tuổi.

- 40 ngày: Với thai từ 13 - dưới 25 tuần tuổi.

- 50 ngày: Với thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Thời gian nghỉ này tính cả ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần.

Trong thời gian nghỉ, lao động nữ sẽ được thanh toán tiền chế độ như sau:

Tiền chế độ sẩy thai

=

100%

x

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ do phá thai bệnh lý

:

30

x

Số ngày nghỉ

(Căn cứ: Điều 39 Luật BHXH năm 2019)

Ví dụ: Chị A mang thai đến tuần thứ 20 thì bị đình chỉ thai vì lý do bệnh lý. Chị A được bác sĩ chỉ định nghỉ 35 ngày.

Hiện tại, chị A đang đóng BHXH với mức lương bình quân là 06 triệu đồng/tháng.

Khi nghỉ hưởng chế độ khi phá thai bệnh lý, chị A được nhận số tiền BHXH như sau:

Tiền chế độ khi phá thai bệnh lý = 100% x 06 triệu đồng : 30 x 20 ngày = 04 triệu đồng


3. Hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ thai sản khi phá thai bệnh lý

Căn cứ Quyết định 166/QĐ-BHXH và Quyết định 222/QĐ-BHXH, hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ thai sản khi phá thai bệnh lý sẽ được thực hiện như sau:

* Hồ sơ hưởng chế độ khi phá thai bệnh lý:

Hồ sơ mà người lao động cần chuẩn bị gồm một trong 02 loại giấy sau:

- Bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH: Phần nội dung phương pháp điều trị phải ghi cụm từ “phá thai bệnh lý”.

- Bản sao giấy ra viện: Phần ghi chỉ định điều trị trên giấy ra viện phải ghi cụm từ “phá thai bệnh lý”.

Hồ sơ mà đơn vị sử dụng lao động cần chuẩn bị là Danh sách đề nghị hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (Mẫu số 01B-HSB).

* Thủ tục hưởng chế độ khi phá thai bệnh lý:

Bước 1: Lao động nữ nộp đủ hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động.

Thời hạn nộp: Trong 45 ngày kể từ ngày quay trở lại làm việc.

Bước 2: Doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ và nộp cho cơ quan BHXH nơi đang đóng bảo hiểm.

Thời hạn nộp: Trong 10 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ của người lao động.

Bước 3: Người lao động nhận tiền chế độ khi phá thai bệnh lý.

Thời hạn giải quyết: Trong tối đa 06 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan BHXH sẽ giải quyết chế độ cho người lao động.

Hình thức chi trả tiền chế độ phổ biến:

- Trả tiền chế độ thông qua đơn vị sử dụng lao động.

- Chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản ATM của người lao động.

Trên đây là phần giải đáp cho câu hỏi: “Phá thai có được hưởng bảo hiểm không?” Nếu vẫn còn vấn đề vướng mắc liên quan đến chế độ thai sản, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn chi tiết.

>> Chế độ thai sản: Quyền lợi cần biết khi sinh con

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?