Nghỉ việc, nộp bảo hiểm thất nghiệp ở đâu để lấy tiền trợ cấp?

Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trong thời gian chưa tìm được việc mới, người lao động từng tham gia bảo hiểm thất nghiệp có thể làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Và để hưởng loại trợ cấp này, người lao động phải đến đâu để nộp hồ sơ?


1. Nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?

Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm quy định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP cũng hướng dẫn về vấn đề này như sau:

1. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, nơi nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được xác định là trung tâm dịch vụ việc làm. Người lao động được nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại bất kì trung tâm dịch vụ việc làm nào mà mình muốn nhận.

Vì vậy, để thuận tiện cho quá trình nhận tiền trợ cấp và làm thủ tục thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng, người lao động có thể tùy chọn trung tâm dịch vụ việc làm tại nơi mình sinh sống hoặc nơi trước đây mình làm việc.


2. Đi nộp bảo hiểm thất nghiệp cần mang theo giấy tờ gì?

Căn cứ Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị  định 61/2020/NĐ-CP, khi đi nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm, người lao động cần mang theo những giấy tờ sau:

1 - Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

2 - Giấy tờ chứng minh chấm dứt hợp đồng lao động: Hợp đồng lao động đã hết hạn; quyết định thôi việc, sa thải, thông báo chấm dứt hợp đồng lao động,…

Các giấy tờ này có thể là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao nhưng phải mang theo cả bản chính để đối chiếu.

3 - Bản chính sổ bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, người lao động còn phải mang theo giấy tờ tùy thân là Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu để nhân viên của trung tâm việc làm xác thực.

Trường hợp không tự đi nộp hồ sơ mà nhờ người khác nộp hộ thì phải có thêm giấy ủy quyền hợp pháp.


3. Thời hạn nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là bao lâu?

Cũng theo khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm năm 2013 đã dẫn chiếu ở trên, thời hạn nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được giới hạn trong vòng 03 tháng kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Nếu để quá thời hạn 03 tháng mới đi nộp hồ sơ, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ từ chối giải quyết và trả lại hồ sơ cho người lao động.

Tuy nhiên việc trả lại hồ sơ không đồng nghĩa với việc người lao động sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp với quãng thời gian đã đóng bảo hiểm trước đó. Lúc này, thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ được bảo lưu để tính cộng dồn cho lần hưởng sau khi đáp ứng đủ điều kiện quy định.

Do vậy, nếu muốn nhanh chóng nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần thu xếp công việc để nộp hồ sơ sớm cho trung tâm dịch vụ việc làm để không bỏ lỡ mốc thời gian 03 tháng nêu trên.

Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi: “Nộp bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?” Nếu vẫn còn vấn đề vướng mắc về bảo hiểm thất nghiệp, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ, tư vấn chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(3 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mổ cận thị có được hưởng bảo hiểm y tế?

Mổ cận thị có được hưởng bảo hiểm không, thông tin này được nhiều người quan tâm, nhất là khi Luật BHYT sửa đổi đã được thông qua. Cùng tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây.

Mức đóng BHYT thay đổi như thế nào từ ngày 01/7/2025?

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) 2024 đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 01/7/2025. Nhiều thay đổi liên quan đến người tham gia BHYT khi Luật có hiệu lực, trong đó bao gồm cả mức đóng BHYT.