Nhờ người thông báo tìm kiếm việc làm để hưởng trợ cấp thất nghiệp được không?

Bận việc, nhiều người nảy ra ý tưởng nhờ người thông báo tìm kiếm việc làm tại cơ quan bảo hiểm thất nghiệp. Liệu việc này có được chấp nhận và giải quyết trợ cấp thất nghiệp không?


1. Người lao động phải thông báo tìm kiếm việc làm vào ngày nào?

Theo khoản 1 Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, hằng tháng người lao động có trách nhiệm phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thời gian thông báo tình hình tìm kiếm việc làm được hướng dẫn chi tiết tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 28. Cụ thể, người lao động đi thông báo tình hình tìm kiếm việc làm theo đúng ngày được ghi trong phụ lục của quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp:

- Ngày thông báo của tháng đầu tiên hưởng trợ cấp thất nghiệp: Là ngày nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phiếu hẹn trả kết quả.

- Ngày thông của tháng thứ hai trở đi: Người lao động có 03 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp để thông báo tình hình tìm kiếm việc làm.

Ví dụ:

Ngày nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là: Ngày 01/02/2023.

Ngày thông báo tình hình tìm kiếm việc làm như sau:

- Tháng đầu tiên: Ngày 01/02/2023.

- Từ tháng thứ hai trở đi: Từ ngày 01/3 - 03/3/2023.

Lưu ý: Nếu ngày cuối cùng của hạn thông báo tình hình tìm kiếm việc làm rơi vào ngày nghỉ lễ hoặc ngày nghỉ hàng tuần thì thời hạn được kéo dài đến ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó.

Thời hạn đến thông báo tìm kiếm việc làm là khi nào? (Ảnh minh họa)

2. Nhờ người thông báo tìm kiếm việc làm được không?

Theo khoản 1 Điều 52 Luật Việc làm năm 2013, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động đều phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp về việc tìm kiếm việc làm, trừ các trường hợp ốm đau, thai sản, bệnh tật hoặc thuộc các trường hợp bất khả kháng.

Trước đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 đã cho phép người lao động được gửi thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp như gửi thư điện tử (email), fax, qua đường bưu điện...

Hiện nay cả nước đã bước vào trạng thái bình thường mới, do đó, người lao động vẫn phải đến trực tiếp trung tâm dịch vụ việc làm để thông báo về tình hình tìm kiếm việc làm.

Riêng trường hợp người lao động gặp ốm đau, tai nạn hoặc gặp phải các sự kiện bất khả kháng thì không cần trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm để thông báo nhưng phải nộp các giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp không cần trực tiếp đến cơ quan BHXH:

- Giấy xác nhận ốm đau của cơ sở y tế có thẩm quyền.

- Xác nhận của phía Cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế về việc người lao động bị tai nạn

- Xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc người lao động bị hỏa hoạn hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có;

- Giấy xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã về việc cha, mẹ, vợ/chồng, con của người lao động chết; người lao động hoặc con của người lao động kết hôn.

Người lao động có thể tự nộp các giấy tờ này trong 03 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn thông báo hoặc ủy quyền cho người khác nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực của các giấy tờ trên cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp.

Nhờ người thông báo tìm kiếm việc làm có được chấp nhận? (Ảnh minh họa)

3. Không thông báo tìm kiếm việc làm đúng hạn, có được trả trợ cấp?

Khoản 1 Điều 53 Luật Việc làm năm 2013 đã nêu rõ, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định.

Theo đó, nếu không thông báo tìm kiếm việc làm đúng hạn, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp.

Tuy nhiên nếu vẫn còn thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì tháng sau, người lao động vẫn có thể tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng đúng ngày ghi trên quyết định hưởng.

Theo khoản 2 Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, cũng có một số trường hợp ngoại lệ người lao động không phải thông báo tình hình việc làm hằng tháng vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp, bao gồm:

(1) - Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên.

(2) - Người lao động mắc bệnh phải điều trị dài ngày.

(3) - Nghỉ hưởng chế độ thai sản.

(4) - Đang tham gia khóa học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

(5) - Thực hiện hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng.

Trên đây là giải đáp thắc mắc cho câu hỏi: “Nhờ người thông báo tìm kiếm việc làm được không?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam để được tư vấn chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?