Không riêng lao động trong nước, BHXH còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp pháp luật không buộc phải tham gia.
Khi nào người nước ngoài bắt buộc phải tham gia BHXH?
Những năm gần đây, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khá nhiều, đặc biệt là trong các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất…
Theo Công văn 1064/LĐTBXH-BHXH, người lao động nước ngoài thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc khi có đủ các điều kiện:
- Có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
- Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam;
- Chưa đủ 60 tuổi đối với nam và chưa đủ 55 tuổi đối với nữ;
- Không thuộc đối tượng di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, bao gồm người lao động là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật đang làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài, đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng và được cử sang làm việc tại hiện diện thương mại ở Việt Nam.
Xem thêm: 3 điều cần biết về BHXH cho người nước ngoài
Bảo hiểm xã hội dành cho người nước ngoài (Ảnh minh họa)
4 trường hợp người nước ngoài không phải tham gia BHXH
Các trường hợp này được quy định cụ thể tại Bộ luật Lao động năm 2012 và hướng dẫn chi tiết tại Điều 7 Nghị định 11/2016/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP như sau:
1. Người lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động
+ Là thành viên góp vốn hoặc là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn;
+ Là thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần;
+ Là trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam;
+ Vào Việt Nam dưới 03 tháng để chào bán dịch vụ;
+ Vào Việt Nam dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp phát sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và chuyên gia nước ngoài đang ở Việt Nam không xử lý được;
+ Là luật sư nước ngoài đã được cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam;
+ Theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
+ Là học sinh, sinh viên học tập, làm việc tại Việt Nam với điều kiện người sử dụng lao động phải báo trước 07 ngày với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh;
+ Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải;
+ Vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với nước ngoài;
+ Được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam;
+ Được cơ quan, tổ chức nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam hoặc được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận vào giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục, đào tạo tại Việt Nam;
+ Tình nguyện viên có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam;
+ Vào Việt Nam làm chuyên gia, quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật dưới 30 ngày và cộng dồn không quá 90 ngày/năm;
+ Vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh ký kết;
+ Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam;
+ Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
+ Có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
+ Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại.
Xem thêm: Xin miễn giấy phép lao động cho người nước ngoài
2. Có hợp đồng lao động dưới 01 năm với người sử dụng lao động Việt Nam
3. Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp
Áp dụng với nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.
4. Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu
Đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ.
>> Thuê lao động nước ngoài: 3 thông tin cần nắm chắc
Thùy Linh