Người lao động tự chốt sổ bảo hiểm xã hội được không?

Sau khi nghỉ việc, ngại quay lại công ty cũ, người lao động tự chốt sổ bảo hiểm xã hội được không? Nếu không được thì giải quyết thế nào? Sau đây là nội dung giải đáp chi tiết.


1. Chốt sổ bảo hiểm xã hội, người lao động tự làm được không?

Theo quy định hiện hành, người lao động không thể tự chốt sổ bảo hiểm xã hội được. Việc chốt sổ bảo hiểm phải được thực hiện bởi người sử dụng lao động.

Theo Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019, một trong những trách nhiệm mà người sử dụng lao động phải thực hiện khi hợp đồng lao động chấm dứt là việc hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của nhân viên.

Trách nhiệm này cũng được khẳng định lại tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, người sử dụng lao động phải phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Như vậy, khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động phải tiến hành thủ tục chốt sổ cho người lao động tại cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người lao động tự đem giấy tờ đến cơ quan bảo hiểm để làm thủ tục chốt sổ, nhân viên bảo hiểm đều từ chối hồ sơ và hướng dẫn người lao động quay lại công ty cũ để đề nghị họ làm thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội.

Người lao động tự chốt sổ bảo hiểm xã hội được không?
Người lao động tự chốt sổ bảo hiểm xã hội được không? (Ảnh minh họa)

2. Công ty cũ không chốt sổ bảo hiểm cho người lao động, có bị phạt?

Cũng theo Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019, bất kể là hợp đồng lao động được chấm dứt hợp pháp hay trái pháp luật thì người sử dụng lao động cũng đều phải hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm cho người lao động, sau đó trả lại sổ bảo hiểm cho người đó.

Nếu không thực hiện việc chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó nghỉ việc, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Mức phạt đặt ra với người sử dụng lao động được xác định dựa trên số lượng người lao động không được chốt sổ khi nghỉ việc. Cụ thể:

  • Phạt tiền từ 05 đến 10 triệu đồng: Nếu có từ 01 đến 10 người lao động không được chốt sổ bảo hiểm khi nghỉ việc.
  • Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng: Nếu có từ 11 đến 50 người lao động không được chốt sổ bảo hiểm khi nghỉ việc.
  • Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng: Nếu có từ 51 đến 100 người lao động không được chốt sổ bảo hiểm khi nghỉ việc.
  • Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng: Nếu có từ 101 đến 300 người lao động không được chốt sổ bảo hiểm khi nghỉ việc.
  • Phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng: Nếu có từ 301 người lao động trở lên không được chốt sổ bảo hiểm khi nghỉ việc.

Đây là mức phạt áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Người sử dụng lao động là tổ chức còn bị phạt gấp đôi mức trên.

Ngoài việc bị phạt tiền, người sử dụng lao động còn phải buộc phải chốt thời gian đóng bảo hiểm và trả lại sổ bảo hiểm cho người lao động cho người lao động.

Không chốt sổ bảo hiểm cho nhân viên sẽ bị phạt?
Không chốt sổ bảo hiểm cho nhân viên sẽ bị phạt? (Ảnh minh họa)

3. Cách xử lý khi công ty không chốt sổ bảo hiểm cho nhân viên

Nếu sau khi nghỉ việc mà công ty cố tình trì hoãn, không chịu chốt sổ bảo hiểm, người lao động có thể áp dụng một trong các cách sau đây để buộc công ty phải chốt sổ cho mình.

Cách 1. Khiếu nại theo quy định

Theo khoản 2 Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội, đối với các tranh chấp liên quan đến việc chốt sổ bảo hiểm xã hội, người lao động tiến hành từng bước khiếu nại như sau:

- Khiếu nại lần 1: Đến chính người sử dụng lao động.

Nếu không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì tiếp tục khiếu nại lần 2.

- Khiếu nại lần 2: Đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính.

Cách 2. Tố cáo sai phạm của công ty.

Hành vi không sổ bảo hiểm xã hội của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của người lao động.

Do đó, người lao động có quyền tố cáo hành vi vi phạm này đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính để xử lý vi phạm và yêu cầu sổ bảo hiểm.

Cách 3: Khởi kiện đến Tòa án.

Theo khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 và khoản 2 Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội, đối với tranh chấp về bảo hiểm xã hội, người lao động có thể trực tiếp gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở để yêu cầu chốt sổ bảo hiểm xã hội.

Trên đây là nội dung giải đáp cho câu hỏi: “Người lao động tự chốt sổ bảo hiểm xã hội được không?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, quý độc giả liên hệ ngay tổng đài 19006192 để được tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Theo quy định tại Điều 11 Luật BHYT 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2024 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế. Vậy trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT?