Trong quá trình mang thai, có nhiều lao động nữ được chỉ định nghỉ “dưỡng thai” do thai yếu, đặc biệt là 03 tháng đầu. Vậy, thời gian này, lao động nữ có được hưởng quyền lợi thai sản hay không?
Nghỉ việc để dưỡng thai có được hưởng chế độ thai sản?
Theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Đối với trường hợp lao động nữ mang thai, Luật này cũng chỉ ghi nhận 02 trường hợp được hưởng thai sản như sau:
- Chế độ khi đi khám thai: Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai;
- Chế độ khi sảy thai, nạo, hút thao, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý.
Như vậy, trường hợp thai yếu phải nghỉ việc để dưỡng thai không thuộc trường hợp được hưởng chế độ thai sản theo quy định hiện hành.
Nghỉ việc dưỡng thai có được hưởng chế độ thai sản? (Ảnh minh họa)
Lao động nữ nghỉ dưỡng thai được hưởng quyền lợi gì?
Được hưởng chế độ ốm đau
Theo Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì được hưởng chế độ ốm đau trừ trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy (tham khảo: Bệnh viện được cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai).
Đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì được nghỉ hưởng chế độ ốm đau 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.Mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (hoặc của tháng đó).
Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được nghỉ tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần (mức hưởng 75% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc); sau đó nếu vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Theo Thông tư 46/2016/TT-BYT, một số trường hợp thai nghén, sinh đẻ và hậu sản cũng được liệt kê vào Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày như: chửa trứng, rau cài răng lược, rau tiền đạo trung tâm, rỉ ối có điều trị để làm chậm chuyển dạ, tiền sản giật thể trung bình và nặng...Được hưởng chế độ thai sản khi sinh con với điều kiện đơn giản hơn
Mặc dù Luật không quy định quyền lợi riêng biệt cho các thai phụ thai yếu, động thai phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sỹ nhưng cũng có những ưu ái nhất định với đối tượng này khi hưởng chế độ thai sản lúc sinh con.
Cụ thể, lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh.
Như vậy, thay vì phải đóng bảo hiểm xã hội 06 tháng thì nay chỉ cần đóng 03 tháng, lao động nữ nghỉ dưỡng thai đã được hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Pháp luật đã tạo những điều kiện thuận lợi nhất giúp họ nghỉ dưỡng thai nhưng vẫn được hưởng đầy đủ chế độ theo quy định.
Được đơn phương chấm dứt, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
Căn cứ vào Điều 156 Bộ luật Lao động 2012 (đang có hiệu lực) và Điều 138 Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ 01/01/2021), lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Như vậy, ngoài việc xin nghỉ không hưởng lương để dưỡng thai, pháp luật còn cho phép lao động nữ động thai, thai yếu được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.