“Nghỉ thai sản trước 2 tháng có được không?” Đây là một trong những thắc mắc phổ biến của những lao động nữ có nhu cầu nghỉ sớm để chờ sinh con. Cùng xem bài viết dưới đây để có câu trả lời chính xác nhất.
Nghỉ thai sản trước sinh 2 tháng có được hưởng BHXH?
Đối với vấn đề nghỉ thai sản trước sinh, khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 đã nêu rõ:
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Do đó, người lao động hoàn toàn có thể xin nghỉ trước sinh 02 tháng mà vẫn được hưởng chế độ thai sản.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm xin nghỉ trước sinh, người lao động phải tích lũy đủ thời gian đóng BHXH theo quy định thì mới được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết tiền chế độ.
Cụ thể, theo Điều 31 Luật BHXH năm 2014, lao động nữ muốn nghỉ hưởng chế độ thai sản trước sinh 02 tháng phải có một trong các điều kiện sau:
- Có thời gian đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
- Nếu trong quá trình mang thai từng phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì phải đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên, đồng thời có thời gian đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
Quyền lợi nào dành cho người nghỉ thai sản trước 2 tháng?
Bên cạnh thắc mắc “Nghỉ thai sản trước 2 tháng có được không?”, người lao động cũng tò mò về các quyền lợi bảo hiểm dành cho những người nghỉ trước sinh 02 tháng.
Theo quy định hiện nay, nếu đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, người lao động nghỉ trước sinh 02 tháng sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi của chế độ này.
Cụ thể như sau:
- Về thời gian nghỉ:
Theo khoản 1 Điều 34 Luật BHXH năm 2014, người lao động được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với tổng thời gian 06 tháng nếu sinh 01 con. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi được nghỉ thêm 01 tháng/con.
Do đã xin nghỉ thai sản trước sinh 02 tháng nên thời gian nghỉ sau khi sinh con sẽ bị rút ngắn lại.
- Về tiền chế độ thai sản:
Lao động nữ nghỉ thai sản trước 02 tháng được chi trả các khoản tiền sau:
(1) Trợ cấp một lần khi sinh con.
Căn cứ Điều 38 Luật BHXH năm 2014, tiền trợ cấp 1 lần được tính như sau:
Mức trợ cấp 1 lần/con sinh ra = 2 x Mức lương cơ sở
(2) Tiền chế độ thai sản.
Căn cứ Điều 39 Luật BHXH năm 2019, trợ cấp thai sản cho toàn bộ thời gian nghỉ chế độ thai sản được tính như sau:
Tiền trợ cấp thai sản | = | Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ thai sản | x | Số tháng nghỉ chế độ |
(3) Tiền trợ cấp dưỡng sức sau thai sản.
Theo Điều 41 Luật BHXH năm 2014, sau khi nghỉ hết thời gian của chế độ thai sản và quay trở lại làm việc, nếu sức khỏe còn yếu, người lao động sẽ được nghỉ chế độ dưỡng sức sau thai sản với mức hưởng như sau:
Mức trợ cấp dưỡng sức sau thai sản = 30% x Mức lương cơ sở x Số ngày nghỉ
Số ngày nghỉ cụ thể do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định nhưng không vượt quá:
- 10 ngày: Lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên.
- 07 ngày: Lao động nữ sinh con phải phẫu thuật.
- 05 ngày: Các trường hợp khác.
Ví dụ: Giả sử mức lương đóng BHXH của chị A trong 06 tháng trước khi nghỉ chờ sinh là 08 triệu đồng/tháng. Tháng 4/2023, chị A sinh 01 con được số tiền thai sản như sau:
Tiền trợ cấp 1 lần khi sinh con = 2 x 1,49 triệu đồng = 2,98 triệu đồng.
Tiền chế độ thai sản = 100% x 8 triệu đồng/tháng x 6 tháng = 48 triệu đồng.
Sau khi nghỉ hết 06 tháng, trở lại làm việc, chị A nghỉ thêm 05 ngày dưỡng sức = 30% x 1,49 triệu đồng x 5 ngày = 2,235 triệu đồng.
Tổng số tiền chị A nhận được = 53,215 triệu đồng.
Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi: “Nghỉ thai sản trước 2 tháng có được không?” Nếu còn thắc mắc về chế độ thai sản, bạn đọc gọi ngay tổng đài 19006192 để được tư vấn chi tiết.