Theo đúng luật, thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng hay 180 ngày?

Nhiều người vẫn băn khoăn về cách tính thời gian nghỉ thai sản khi sinh con, không biết thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng hay 180 ngày? Câu trả lời sẽ được LuatVietnam giải đáp ngay sau đây.


1. Người lao động được nghỉ thai sản là 6 tháng hay 180 ngày?

Theo khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, khi sinh con, lao động nữ sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng nếu sinh một con.

Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, lao động nữ được nghỉ thai sản thêm 01 tháng.

Theo quy định, thấy rõ thời gian nghỉ chế độ thai sản khi sinh con được pháp luật quy định theo tháng chứ không phải theo ngày.

Do đó, thời gian nghỉ thai sản sẽ được tính đủ 06 tháng. Thời gian này được tính từ ngày a của tháng này đến hết ngày a-1 của 06 tháng sau.

Ví dụ: Chị A bắt đầu kỳ nghỉ thai sản vào ngày 05/4/2023 thì được nghỉ đến hết ngày 04/10/2023. Ngày 05/10/2023, chị A bắt đầu quay trở lại làm việc.

Nếu quy đổi 06 tháng ra ngày thì thời gian nghỉ thai sản sẽ rơi vào khoảng 181 đến 183 ngày bởi tháng Hai có 28 hoặc 29 ngày và các tháng còn lại là 30 hoặc 31 ngày.

Người lao động có thể nghỉ trước sinh nhiều ngày hoặc nhiều tháng nhưng trường hợp nghỉ thai sản trước sinh nhiều hơn 02 tháng chỉ được tính hưởng chế độ thai sản cho tối đa 02 tháng nghỉ trước sinh.

Nghỉ thai sản là 6 tháng hay 180 ngày?
Nghỉ thai sản là 6 tháng hay 180 ngày? (Ảnh minh họa)

2. Hướng dẫn cách tính 180 ngày nghỉ thai sản

Theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ thai sản được tính theo tháng với tổng thời gian là 06 tháng.

Nhiều người vẫn tính trung bình một tháng có 30 ngày nên quy đổi 06 tháng thành 180 ngày. Tuy nhiên cách tính thời gian nghỉ thai sản theo cách này là không chính xác.

Thời gian nghỉ thai sản của mỗi lao động nữ khi sinh con sẽ được tính đủ 06 tháng, bắt đầu từ ngày a của tháng bắt đầu nghỉ đến hết ngày a-1 của 06 tháng sau.

Như vậy, tính ra số ngày nghỉ thai sản của lao động nữ sẽ lên đến 181, 182 hoặc 183 ngày chứ không thể nào là 180 ngày bởi có những tháng có tới 31 ngày.

Cách tính 180 ngày nghỉ thai sản thế nào?
Cách tính 180 ngày nghỉ thai sản thế nào? (Ảnh minh họa)

3. Nghỉ hết 6 tháng thai sản, xin nghỉ thêm được không?

Sau khi nghỉ hết thời gian thai sản 06 tháng, người lao động phải quay trở lại làm việc để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên nếu vì lý do sức khỏe hoặc vì các lý do cá nhân khác, người lao động có thể xin nghỉ thêm.

- Nếu vì lý do sức khỏe, lao động nữ có thể xin nghỉ chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian nghỉ thai sản.

Theo Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ ngay sau khi nghỉ hết 06 tháng thai sản và quay trở lại làm việc, nếu trong 30 ngày đầu, sức khoẻ chưa phục hồi thì sẽ được công ty quyết định cho nghỉ chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản trong thời gian từ 05 - 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, Tết và nghỉ hằng tuần).

Số ngày nghỉ cụ thể sẽ do phía công ty và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định nhưng không vượt quá:

  • Tối đa 10 ngày: Trường hợp sinh đôi trở lên.
  • Tối đa 07 ngày: Trường hợp sinh con phải phẫu thuật.
  • Tối đa 05 ngày: Các trường hợp còn lại.

Với mỗi ngày nghỉ này, người lao động sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán 30% mức lương cơ sở.

- Nếu vì các lý do khác có thể xin nghỉ không lương.

Khoản 3 Điều 139 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ, sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Thời gian nghỉ thêm do các bên tự thỏa thuận chứ pháp luật không giới hạn, miễn sao người sử dụng lao động đồng ý.

Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi: “Nghỉ thai sản là 6 tháng hay 180 ngày?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hướng dẫn chi tiết.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT từ 01/7/2025?

Theo quy định tại Điều 11 Luật BHYT 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2024 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế. Vậy trường hợp nào doanh nghiệp bị coi là chậm đóng và trốn đóng BHYT?