Bất cứ ai tham gia tổ chức công đoàn đều có trách nhiệm đóng đoàn phí. Tuy nhiên, liệu có trường hợp nào đoàn viên được miễn đóng phí công đoàn?
Mức đóng đoàn phí công đoàn năm 2019
Theo quy định tại Điều 23 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ, hàng tháng, người lao động tham gia tổ chức công đoàn có trách nhiệm đóng đoàn phí với mức đóng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương theo cấp bậc, chức vụ, theo hợp đồng lao động và các khoản phụ cấp khác như chức vụ, thâm niên vượt khung, thâm niên nghề. Khi tiền lương này thay đổi thì tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí công đoàn cũng thay đổi.
Riêng đoàn viên ở các doanh nghiệp Nhà nước thì mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thuế thu nhập cá nhân).
Dù đoàn viên tham gia công đoàn ở tổ chức nào thì mức đóng hàng tháng tối đa cũng chỉ bằng 10% mức lương cơ sở. Cụ thể:
Mức đóng đoàn phí trước ngày 01/7/2019: Tối đa 10% x 1,39 triệu đồng = 139.000 đồng/tháng.
Mức đóng đoàn phí sau ngày 01/7/2019: Tối đa 10% x 1,49 triệu đồng = 149.000 đồng/tháng.
Hiện nay, có 02 phương thức để đoàn viên đóng đoàn phí, đó là đóng trực tiếp cho công đoàn cơ sở hoặc trích qua tiền lương hàng tháng.
Ngoài ra, nhiều tổ chức công đoàn đã thực hiện thu, nộp đoàn phí công đoàn bằng công nghệ hiện đại như thu qua tài khoản cá nhân, qua thẻ ATM…
Nghỉ thai sản có phải đóng đoàn phí công đoàn? (Ảnh minh họa)
Nghỉ thai sản có phải đóng đoàn phí?
Theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 06 tháng. Nếu sinh đôi trở lên thì từ con thứ hai, mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Trong thời gian này, người lao động không được hưởng lương từ doanh nghiệp mà chỉ được hưởng các khoản theo chế độ thai sản.
Căn cứ theo khoản 6 Điều 23 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ, có 02 trường hợp đoàn viên không phải đóng đoàn phí:
- Đoàn viên hưởng trợ cấp BHXH từ 01 tháng trở lên;
- Đoàn viên không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng lương.
Do vậy, trong suốt thời gian lao động nữ nghỉ thai sản hưởng trợ cấp BHXH sẽ không phải đóng đoàn phí công đoàn.
Thùy Linh